Điểm sáng huy động vốn của doanh nghiệp Việt khi thị trường quốc tế rơi vào "vùng trũng"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Thị trường vốn quốc tế rơi vào vùng trũng khi lãi suất neo ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, Masan Group vẫn thu hút được khoản đầu tư vốn cổ phần lên đến 500 triệu USD, tạo ra điểm sáng cho thị trường vốn Việt Nam.

Thị trường trái phiếu gặp khó

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - vốn là lãi suất tham chiếu cho chi phí vốn toàn cầu - đã lên mốc 4,8%, tăng 50 điểm cơ bản trong 2 tuần, cao nhất kể từ năm 2008 vào ngày 3/10. Tính tới ngày 19/10, chỉ số này lại cộng thêm 37 điểm cơ bản nữa. Cùng lúc, cả Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng giữ chi phí vốn vay ở mức cao kỷ lục, thúc đẩy làn sóng bán trái phiếu toàn cầu tăng tốc.

Các chuyên gia đánh giá, việc lãi suất neo cao khiến thị trường "nản lòng" với các tài sản khác, khiến dòng vốn quốc tế chảy ra khỏi các thị trường châu Á và thị trường mới nổi khi khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư giảm xuống. Ngay cả nhóm công ty tại các thị trường vốn phát triển cũng chịu tác động không nhỏ khi thực hiện các thương vụ gọi vốn và IPO.

Điểm sáng huy động vốn của doanh nghiệp Việt khi thị trường quốc tế rơi vào vùng trũng - 1
Thị trường chịu tác động mạnh từ lạm phát cao, cầu tiêu dùng yếu, do đó, các nhà đầu tư đặt niềm tin lớn hơn vào các công ty sản xuất có chiến lược gây tiếng vang (Ảnh: Masan).

IPO gặp khó

Chia sẻ với CNN, Peter Janssen, đối tác ngân hàng đầu tư tại Janssen Partners, các đợt IPO trong quý III chỉ mang lại mức lợi nhuận -32% cho nhà đầu tư. Hiện tại, thị trường trầm lắng, không có nhiều giao dịch và thanh khoản cạn kiệt.

Theo dữ liệu của Dealogic, công ty công nghệ - chiếm gần 40% tổng giá trị thị trường IPO của Mỹ trong năm nay - trở nên nhạy cảm với việc chi phí vay tăng vọt bởi nhà đầu tư có ít động lực hơn để đổ vốn vào các doanh nghiệp có thể khiến họ mất nhiều năm mới thu được lãi. Tổng giá trị niêm yết tại Mỹ đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, và chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 315 tỷ USD đã đạt được vào năm 2021 (năm lãi suất xuống rất thấp) hay thậm chí là 168 tỷ USD năm 2020.

"Khi trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 2 năm có lãi suất gần 5%, liệu nhà đầu tư quốc tế có chấp nhận rủi ro và nhảy vào các thương vụ gọi vốn hay thị trường IPO? Do vậy, nhiều công ty tư nhân đã huy động tiền theo các thỏa thuận riêng - một trong những cách thức thông minh lúc này. Trong đó, nhóm hấp dẫn các nhà đầu tư nhất là các công ty sản xuất sản phẩm với một chiến lược sẽ gây được tiếng vang với công chúng", Peter Janssen nói.

Điểm sáng huy động vốn từ tập đoàn Việt Nam

Trái với bức tranh ảm đạm về huy động vốn quốc tế, ở Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn Masan đã tạo nên điểm sáng khi thành công ký kết thỏa thuận với Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD - về việc đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group.

Điểm sáng huy động vốn của doanh nghiệp Việt khi thị trường quốc tế rơi vào vùng trũng - 2
Masan thành công huy động vốn từ Bain Capital (Ảnh: Masan).

Khoản đầu tư vốn cổ phần của Bain Capital vào Masan Group có thể tăng lên 500 triệu USD. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán của công ty. Masan đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA nhỏ hơn 3,5 lần.

Đây thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của Masan.

Với thành công đến từ thương vụ với Bain Capital, Masan nổi lên là đối tác được tin tưởng hàng đầu của dòng vốn quốc tế trước bối cảnh khó khăn của thị trường toàn cầu nói chung.

Ngoài 200 triệu USD này, chỉ trong vòng 12 tháng, Masan đã huy động được 1,25 tỷ USD khoản vay hợp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, khẳng định sức mạnh tài chính và tiềm năng tăng trưởng của một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam.