Điểm mặt những sai phạm tài chính nghiêm trọng tại dự án đường 5 kéo dài

(Dân trí) - Báo cáo Kết luận Thanh tra Chính phủ mới công bố cho thấy, tại dự án đường 5 kéo dài, việc kéo dài thời hạn thi công vượt quá hợp đồng gốc tại một số gói thầu đã dẫn tới sai phạm tài chính liên quan tới điều chỉnh giá cho các khối lượng hoàn thành.

Cầu Đông Trù trong ngày thông xe toàn tuyến Dự án Quốc lộ 5 kéo dài.
Cầu Đông Trù trong ngày thông xe toàn tuyến Dự án Quốc lộ 5 kéo dài.

Tuyến đường Quốc lộ 5 kéo dài, đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long, Hà Nội thuộc dự án nhóm A được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương. Mặc dù thuộc nhóm “có tầm quan trọng đặc biệt” nhưng dự án chậm tiến độ tới 6 năm so với kế hoạch khiến tổng vốn đầu tư tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên tới 6.660 tỷ đồng cho 13km đường chiều dài toàn tuyến được đánh giá là "gây lãng phí ngân sách nhà nước và hiệu quả đầu tư thấp".

Đáng lưu ý, việc kéo dài thời hạn thi công vượt quá hợp đồng gốc tại một số gói thầu đã dẫn tới sai phạm tài chính liên quan tới điều chỉnh giá cho các khối lượng hoàn thành.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, về sai phạm tài chính, tổng số tiền qua thanh tra phát hiện là gần 658 tỷ đồng, trong đó số tiền gần 274 tỷ đồng đã được khẳng định, số còn lại hơn 384 tỷ đồng gồm gói thầu 12 là hơn 48 tỷ đồng và gói thầu 13 hơn 336 tỷ đồng cần phải tính toán chi tiết.

Về nguyên nhân dẫn tới sai phạm tài chính, phía Thanh tra Chính phủ khẳng định do việc không chấp hành tiến độ thi công của nhà thầu ở tất cả các gói thầu đối với diện tích mặt bằng đã được giao. Trong khi đó, khối lượng chậm thực hiện vẫn được điều chỉnh giá qua các lần nghiệm thu với tổng số tiền là 116,4 tỷ đồng, bao gồm: sai phạm 109 tỷ đồng tại các gói thầu số: 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15, 14, 24; sai phạm 2,09 tỷ đồng trong tính toán cấp phối bê tông nhựa đối với gói thầu số 10, 11, 14, 15; 4,7 tỷ đồng sai phạm do sử dụng sai kinh phí ở các gói thầu số 1 và một số gói thầu khác...

Đối với gói thầu số 12 - xây dựng cầu dẫn phía Đông Anh (cầu Đông Trù), đoạn tuyến Km 14 +200 – Km 14+700 do Tổng công ty xây dựng Thăng Long trúng thầu, với giá trị hợp đồng là 331,8 tỷ đồng. Theo hợp đồng gốc, gói thầu này phải hoàn thành vào tháng 9/2008, nhưng đến thời điểm thanh tra (năm 2014), nhà thầu vẫn chưa thể hoàn thành. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã phải 3 lần gia hạn tiến độ thi công, nhưng đều không làm rõ các nguyên nhân để xử lý trách nhiệm.

Đến thời điểm tháng 4/2009, khi phần lớn diện tích mặt bằng đã được bàn giao, đủ điều kiện thi công, nhưng nhà thầu vẫn không triển khai thực hiện, kéo dài đến tận năm 2012 mới bắt đầu huy động thiết bị, máy móc để làm dứt điểm. Ban quản lý dự án Tả Ngạn lại tiến hành điều chỉnh giá cho những khối lượng hoàn thành các giai đoạn bị trễ tiến độ thuộc trách nhiệm của nhà thầu không đúng quy định, gây lãng phí hơn 48 tỷ đồng.

Hay như gói thầu số 13 cầu Đông Trù, việc chậm tiến độ thực hiện điều chỉnh giá vật liệu, nhân công, máy và khối lượng điều chỉnh một phần biện pháp thi công có mực nước thay đổi lên tới 336 tỷ đồng. Gói thầu này được phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ năm 2008, nhưng đến thời điểm nhà thầu chính được chỉ định thực hiện toàn bộ khối lượng gói thầu 13 thì đã chậm 3 năm. “Lỗi” được chỉ ra ở đây là do việc khảo sát thiết kế thi công của công ty tư vấn thiếu khả thi, chính xác, thiếu kịp thời; lỗi của nhà thầu chính (Cienco1) dẫn đến số liệu về điều kiện địa chất.

Đáng lưu ý, với các yếu tố kỹ thuật của gói thầu, yêu cầu tiến độ thực hiện hoàn thành để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nên gói thầu đã được chỉ định thầu cho Cienco1 thực hiện. Tuy nhiên, do không đàm phán được với nhà thầu phụ Trung Quốc do chính mình đề xuất và cam kết trong hồ sơ chỉ định thầu dẫn tới chậm tiến độ, phải điều chỉnh dự toán.

Việc tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng vốn được coi là công việc khó khăn với hầu hết các dự án. Tuy nhiên, ở đây, sự thiếu kiên quyết và thái độ trách nhiệm của các đơn vị được giao đã gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, gây lãng phí ngân sách.

Công tác bồi thường, hỗ trợ cũng để xảy ra sai phạm tài chính hơn 77 tỷ đồng. Để thực hiện dự án đường 5 kéo dài, từ năm 2005 - 2007, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 4 quyết định thu hồi với diện tích 142,2 ha, trong đó ô quy hoạch thuộc gói thầu số 18 (khu đất 2 bên đường tuyến Quốc lộ 5 kéo dài, phục vụ đấu giá tạo nguồn kinh phí) thu hồi 23,13 ha.

Qua thanh tra thấy việc hỗ trợ cho các hộ có đất bị thu hồi nhỏ hơn 30% đất nông nghiệp được giao là không đúng quy định, gây lãng phí ngân sách nhà nước với số tiền là 38,7 tỷ đồng, trong đó sai phạm về hỗ trợ ổn định đời sống là 22,51 tỷ đồng (gồm huyện Đông Anh là 15,58 tỷ đồng; quận Long Biên là 6,93 tỷ đồng); sai phạm về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 16,2 tỷ đồng (huyện Đông Anh là 11,291 tỷ đồng, quận Long Biên là 4,95 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ bồi thường đối với một số cơ quan đơn vị như Nhà máy Z133, Trung tâm 7504 (đều thuộc Bộ Quốc Phòng) và UBND phường Thượng Thanh cũng đều để xảy ra sai phạm về tài chính. Hay như việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư tại dự án thực hiện không đúng, trúng, trong đó, việc chi trả tiền hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân sai quy định lên tới 77 tỷ đồng.

Dù vậy, với những sai phạm về đền bù đất kể trên, Thanh tra Chính phủ chỉ có thể kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hà Nội thu hồi số tiền bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định đối với các tổ chức là 38,3 tỷ đồng, gồm: hỗ trợ cho Nhà máy Z133 là 21,723 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để giao cho T504, Bộ Quốc phòng là 10,5 tỷ đồng; bồi thường công trình cho UBND phường Thượng Thanh, quận Long Biên là 6,09 tỷ đồng. Khoản hỗ trợ gần 39 tỷ đồng đã chi trả cho các hộ dân coi như “không thể thu hồi”.

Phương Dung

Điểm mặt những sai phạm tài chính nghiêm trọng tại dự án đường 5 kéo dài - 2