1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thanh Hóa:

Diêm dân không còn lối thoát?

(Dân trí) - Giá muối liên tục sụt giảm, thị trường thu hẹp, đời sống diêm dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân khiến ruộng muối của diêm dân bị thu hẹp...

Bấp bênh nghề muối

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất muối Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, buồn bã chia sẻ: “Nghề làm muối nặng nhọc, vất vả, nhưng giá bán muối trên thị trường lại thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, bấp bênh. Trong khi đó, kinh phí để đầu tư phương tiện, máy móc sản xuất của người làm muối chưa có, nên dẫn đến chất lượng thấp, giá thành rẻ và thị trường tiêu thụ hẹp. Các diêm dân luôn mong muốn chuyển đổi ruộng muối sang làm nghề khác”.

Những kho chứa muối gợi nên một thời kinh tế phát triển ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia giờ trở nên hoang tàn, lạnh lẽo
Những kho chứa muối gợi nên một thời kinh tế phát triển ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia giờ trở nên hoang tàn, lạnh lẽo

Hiện tại, Hợp tác xã muối Hải Lộc có 1.630 xã viên với 650 hộ sản xuất trên 78 ha diện tích ruộng muối. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, trên địa bàn huyện Hậu Lộc hiện nay chỉ còn 125, 23 ha muối tập trung chủ yếu ở xã Hòa Lộc (47, 23 ha) và xã Hải Lộc (78 ha) với sản lượng đạt 14.494 tấn/ năm, được bán ra thị trường với giá 1.800 đồng/kg muối.

Ông Đào Nguyên Hồng - Giám đốc Hợp tác xã muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc, chia sẻ: “Giá bán muối tại ruộng sản xuất cao lắm chỉ đạt 1.470 đồng/kg, trung bình chỉ đạt 1.200 đồng/kg. Tổng thu nhập muối của Hợp tác xã đạt hơn 6 tỷ đồng với 2.370 nhân khẩu. Như vậy, nếu chia đều ra mỗi nhân khẩu thu nhập hàng năm chưa đầy 3 triệu đồng. Thu nhập từ muối thấp nên nhiều diêm dân đã đi tìm nghề khác mưu sinh.

Theo lý giải của ông Hồng thì sản lượng muối thấp, nguyên nhân chính là do chưa được đầu tư vào công nghệ, sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên năng xuất chưa cao.

Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, ông Nguyễn Văn Huân, cho biết: “Trước đây tổng diện tích ruộng muối của xã đạt 93,68 ha, hiện nay chỉ còn 81 ha. Diện tích ruộng muối của xã bị thu hẹp bởi việc xây dựng dự án cảng cá, kéo theo đó giá cả bán muối thấp, việc đầu tư công nghệ sản xuất muối còn kém hiệu quả”.

Những cánh đồng muối trở nên đìu hiu
Những cánh đồng muối trở nên đìu hiu

Hiện nay tại xã Hòa Lộc có 81 ha ruộng muối thì chỉ có 47 ruộng sản xuất muối, trong đó thôn Chương Xá có 17 ha, thôn Nam Tiến có 30 ha. Toàn xã có 450 hộ sản xuất muối với 2.370 nhân khẩu, sản xuất muối hàng năm đạt 4.249 tấn.

Nghề muối sẽ trở thành quá khứ?

Bà Lê Thị Hoa - một diêm dân thôn Tiền Phong, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia nhớ lại một thời “hoàng kim” do nghề làm muối mang lại cho gia đình. Bà Hoa cho biết, thời còn ăn nên làm ra, hàng năm gia đình bà thu nhập ít nhất cũng được hàng chục tấn muối, bán ra thị trường cũng thu về vài chục triệu mỗi năm. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ không chỉ của gia đình bà Hoa mà của nhiều diêm dân sống bằng nghề muối.

Những cánh đồng muối giờ chỉ để chăn thả trâu bò, thả vịt, ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia
Những cánh đồng muối giờ chỉ để chăn thả trâu bò, thả vịt, ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia

Năm 2001, việc triển khai xây dựng công trình khu tái định cư Hải Hà đã làm ảnh hưởng đến nghề truyền thống của diêm dân xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia. Việc xây dựng công trình trên đã khiến cho việc lưu thông nước biển đến các ruộng sản xuất muối của người dân gặp nhiều khó khăn, làm cho việc sản xuất muối không thể thực hiện. Lúc đầu tình trạng trên chỉ diễn ra ở thôn Tiền Phong, sau đó do ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước, không khí lần lượt diêm dân ở các thôn Tân Hải, Đoan Hùng, Tân Vinh không thể sản xuất nên buộc phải bỏ ruộng muối.

Ông Trần Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hải Bình, cho biết: Trước kia xảy ra tình trạng đường nước (kênh, mương - PV) dẫn nước vào ruộng muối, nhưng không thể dẫn được nước vào ruộng muối nên không thể sản xuất muối. Do vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hộ trợ cả năm cho các hộ sản xuất muối, mỗi hộ được hỗ trợ 5.000 đồng/1m2 ruộng muối, tổng cộng là 2,1 tỷ đồng cho 700 hộ với hơn 20 ha/ năm. UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ liên tục khi chưa có phương án giải quyết”.

Sản xuất muối ở Hợp tác xã Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc
Sản xuất muối ở Hợp tác xã Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tĩnh Gia, năm 2014, tổng diện tích sản xuất muối toàn huyện là 153,3 ha, riêng xã Hải Bình có 29 ha. Năm 2015 toàn huyện có 108,3 ha, xã Hải Bình chỉ còn 10 ha diện tích sản xuất muối, đến năm 2016 toàn huyện Tĩnh Gia chỉ còn 72 ha ruộng muối, riêng xã Hải Bình không còn diện tích sản xuất muối.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tĩnh Gia, đánh giá: Việc diện tích các ruộng muối bị thu hẹp là do ô nhiễm môi trường, bụi bặm trong quá trình thi công các công trình. Mặt khác, diện tích ruộng muối bị giảm sút là do việc hút cát để san lấp nền công trình các nhà máy khiến nước biển không thể vào các ruộng muối nên không thể sản xuất.

Lô Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm