1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dịch tả lợn châu Phi: Người tiêu dùng “đổi món”, giá thịt lợn giảm sâu

(Dân trí) - Do tâm lý e ngại ảnh hưởng đến sức khỏe khi nhiều thông tin về dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên một bộ phận người tiêu dùng trên địa bàn Hà Tĩnh đang né thịt lợn. Hậu quả là sức mua cũng như giá cả thịt lợn hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Méo mặt vì ế nặng

9h sáng nay (8/3),  so với tất cả các quầy thực phẩm tại chợ Hà Tĩnh, chợ đầu mối lớn nhất tỉnh này, thì khu quầy buôn bán thịt lợn hết sức ảm đạm. Người bán thì nhiều, nhưng người mua lại lác đác. Rất nhiều chị chủ quầy khuôn mặt buồn buồn khi lời mời mua thịt lợn chỉ nhận được những cái lắc đầu, hoặc nụ cười chào hỏi rồi rời đi.

Một trong những người buồn nhất là quầy thịt của tiểu thương Trần Thị Hiền. Theo chị Hiền, bình thường tới 10 là quầy của chị đã hom hom thịt và tới khoảng 11h sẽ đóng quầy. Thế nhưng, sáng nay quầy của chị Hiền còn rất nhiều thịt trên bàn. Lí do theo chị Hiền là những thông tin dịch tả lợn châu Phi liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, rồi cả những câu chuyện truyền miệng về sự lo ngại sức khỏe do nạn dịch này  gây ra.

53723695_369667807092283_9079622006898425856_n.jpg

Chị Hiền ngồi chờ khách ghé mua thịt lợn.

 

“Từ khi xuất hiện thông tin có dịch tả lợn châu Phi, sức tiêu thụ giảm hẳn, như anh thấy đấy, em ngồi như thế này làm sao bán được. Trước đó, ngày bán được từ 5–6 yến nhưng bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được vài yến”- chị Hiền buồn bã chia sẻ.

Cùng chung tình cảnh ế ẩm, tiểu thương Võ Thị Hà cũng khá buồn: “Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gì đâu, thế mà người dân vẫn cứ lo ngại như có dịch bùng phát vậy. Thịt lợn chúng tôi bán có nguồn gốc, được sự kiểm chứng của cơ quan chức năng, nhà tôi vẫn ăn bình thường, nhưng ngay cả khách quen đến đây vẫn ái ngại, bảo tạm nghỉ ăn thịt lợn. Buôn bán những lúc như này vất vả lắm, áp lực lắm chú ạ”..

Tiểu thương Nguyễn Thị Thủy, gần ngay cạnh chị Hà cứ liên tục quay sang chuyện trò với một chủ quầy khác. Giọng người phụ nữ át cả tiếng giáo thớt: "Người dân mình kể cũng lạ thật. Hà Tĩnh vẫn chưa bị dịch nhưng nhiều thông tin kêu gọi người dân hạn chế sử dụng thực phẩm từ lợn được chia sẻ trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây, cứ người này truyền tai người kia, nỏ biết chi cả, rủ nhau không ăn thịt lợn nữa".

54349898_830147990672619_950583026901843968_n.jpg

Sau thời gian chuyện trò với chủ quầy bên cạnh....

 

53327585_1282245995264506_8039950839902633984_n.jpg

bà chủ quầy rời đi vì không có khách mua.

Những phản ánh của ác chủ quầy thịt lợn ở chợ trung tâm thành phố Hà Tĩnh cũng là tâm lí của một số khách hàng mà PV Dân trí tiến hành khảo sát, ghi nhận sáng nay. Chị Nguyễn Thị Phương xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, người đáp vào quầy bán thịt bò chia sẻ: "Tôi đọc báo thấy dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh sang người và thịt lợn trên thị trường "chính thống" đã qua kiểm dịch, an toàn. Nhưng thực tế là tâm lí vẫn nơm nớp, nên tôi tạm thời chọn thực phẩm khác thay thế cho toàn gia đình".

"Hai đứa con nhà chị thích nhất là món sườn rim chua ngọt, nhưng vì tâm lí ấy mà tạm thời chị cũng không cho các cháu ăn"- chị Phương nói thêm.

Giá thịt lợn giảm đến 10.000/ký

Không chỉ giảm đáng kể sức mua, giá thịt lợn trên thị trường trong “bão" dịch tả lợn châu Phi cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, giá thịt lợn các loại đã giảm khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Cụ thể: Thịt nạc, sườn còn khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg, thịt ba chỉ còn 70.000 - 75.000 đồng/kg.

Thị trường ế ẩm, các tiểu thương kinh doanh thịt lợn đành phải hạn chế số lượng hàng nhập về. Cũng vì thế mà các lò giết mổ trên địa bàn những ngày này giảm công suất so với trước. Tại lò giết mổ tập trung thành phố Hà Tĩnh, mỗi ngày giết mổ khoảng 25 con lợn thịt, bằng khoảng 1/3 so với trước khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi.

 

53142820_393215088159338_5477376916484784128_n.jpg

Giá thịt lợn theo các chủ quầy ở chọ Hà Tĩnh đã giảm 10.000đ/kg sau khi xuất hiện thông tin dịch tả lợn châu Phi

Chủ lò mổ tập trung TP Hà Tĩnh, anh Trương Hữu Hà chia sẻ: “Ngay khi thông tin về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã đến phổ biến công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc đầu vào. Vì vậy, công tác này được siết chặt hơn, cả trước và sau giết mổ”.

53674905_290445631893232_7730532634165510144_n.jpg

Cũng theo anh Hà, thịt lợn qua các lò giết mổ được kiểm tra nghiêm ngặt nên người dân không phải lo lắng. Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng một số lò mổ tự phát tại gia đình đang hoạt động “chui”, chưa có sự kiểm soát của các ngành chức năng. Đây mới là mối nguy, có thể khiến lợn bị bệnh tuồn vào thị trường.

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh 

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú Y (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh), cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, người dân lo lắng là có cơ sở. Việc siết chặt kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan, ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi lợn.

Tại địa bàn huyện và thị xã Kỳ Anh, nơi có tổng đàn lợn nuôi thuộc hàng lớn nhất của Hà Tĩnh với hơn 10.000 con, hiện chính quyền các cấp đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp giúp người chăn nuôi chủ động ngăn chặn bệnh dịch nguy hiểm này.

Theo đó, các địa phương này đã khẩn trương tổng rà soát đàn lợn tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.

Cùng với đó, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các phương tiện giao thông, sản phẩm động vật được vận chuyển vào địa bàn từ các nơi có nguồn dịch. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường vi phạm.

Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần thường xuyên vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng người, phương tiện ra vào, chuồng trại và khu vực liên quan. Tuyệt đối không mua bán lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, phải thực hiện tiêm phòng đủ loại vắc-xin trên đàn lợn.

Để chủ động hơn trong trường hợp địa bàn xảy ra dịch tả lợn châu Phi, Kỳ Anh đã đưa ra các tình huống xử lý nhằm ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng. Cụ thể, khi phát hiện các ổ dịch, địa phương đưa ra các giải pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh, khoanh vùng ổ dịch, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; đưa ra các giải pháp quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch…

Thị xã và huyện Kỳ Anh cũng đã ban hành Công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, hộ chăn nuôi lợn thực hiện nghiêm túc "5 không" (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, khi xuất hiện lợn ốm, lợn chết không rõ nguyên nhân, cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời lay mẫu xét nghiệm, giám sát và hướng dẫn xử lý. Dịch tả lợn châu phi không lây sang người, do vậy đề nghị người dân không nên hoang mang; cần chủ động phòng bệnh, triển khai vệ sinh chuồng trại, tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa cho lợn ăn. Đặc biệt, người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm có đầy đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ…