1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dịch Covid-19 "kéo tụt" tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương

(Dân trí) - Tăng trưởng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm từ 4,2% xuống còn 4% trong năm nay khi dịch Covid – 19 đang hoành hành và bùng phát tại nhiều quốc gia.

Sụt giảm GDP

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, nền kinh tế Trung Quốc chiếm đến 16,8% tổng GDP của toàn thế giới trong năm 2019, cao hơn nhiều con số  6,9% trong năm 2003, khi mà đại dịch SARS hoành hành.

Sự sụt giảm mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đại lục, nơi mà GDP được dự đoán sẽ giảm mạnh xuống còn 4-5% do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã lan rộng ra các nước trong khu vực.

Qua đó, CBRE nhận định, tăng trưởng GDP của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương từ 4,2% xuống còn 4% trong năm 2020.

Đối với thị trường Việt Nam, trong vài tháng qua cũng bị ảnh hưởng vì chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc. Các ngành sản xuất tại Việt Nam (điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông, quần áo và giày dép) đặc biệt phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguyên liệu/phụ kiện từ Trung Quốc.

Dịch Covid-19 kéo tụt tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương  - 1

Bất động sản "ngấm đòn" vì Covid 19

Nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam đã tạm dừng hoạt động từ tháng 1, việc này gây ra sự sụt giảm đáng kể cho hoạt động xuất khẩu trong nước vào quý I/2020. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là nguồn xuất khẩu chính của Việt Nam về các sản phẩm nông sản như lúa gạo, trái cây và cao su.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) dự báo hoạt động xuất khẩu có thể giảm 20% trong quý I/2020 (tương đương với việc giảm 0,44% GDP theo quý). GDP năm 2020 sẽ giảm xuống còn 6,27% (thấp hơn 0,53% so với mục tiêu ban đầu). MPI còn dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ chạm mức 3,96 % hoặc 4,86%, vượt mức 4% so với mục tiêu (tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt ở mức 2,9% trong năm 2019).

Các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid - 19

Theo đó, lĩnh vực bán lẻ thì hoạt động mua sắm tại các trung tâm thương mại giảm. Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán online không bị ảnh hưởng nhiều. Nhiều trung tâm thương mại tại Trung Quốc, Hồng Kông tuyên bố cắt giảm giá cho thuê để giảm bớt gánh nặng cho khách hàng.

Tại Việt Nam, doanh thu của các cửa hàng ăn uống và giải trí sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Các đơn vị bán lẻ đang trong tình trạng chờ đợi đánh giá tình hình dịch bệnh, nên các yêu cầu thuê mới cũng giảm đáng kể. Điều này cũng là một thách thức lớn cho các dự án trung tâm thương mại mới trong việc tìm kiếm những khách thuê đầu tiên.

Đối với du lịch – khách sạn, lượng khách quốc tế sụt giảm khiến cho du lịch Châu Á lao đao. Cụ thể, số lượng khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nguồn khách chủ yếu của thị trường du lịch Việt Nam (chiếm đến 56% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2019) giảm đi đáng kể do việc hạn chế các chuyến bay đến từ vùng dịch. Còn khách du lịch nội địa sẽ hoãn nhiều kế hoạch du lịch trong thời gian dài.

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, thị trường Nha Trang ghi nhận sự sụt giảm 75% khách du lịch quốc tế và 82% khách du lịch nội địa trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Qua đó, dự đoán mức thất thoát doanh thu du lịch có thể từ 7 đến 15 tỷ USD. Bên cạnh đó, Cục hàng không Việt Nam còn cho biết, các hãng hàng không trong nước ghi nhận tổng thiệt hại doanh thu lên đến 10 nghìn tỷ đồng (tương đương với 430,5 triệu USD) từ việc hủy hơn 400 chuyến bay kết nối Việt Nam - Trung Quốc mỗi tuần.

Thị trường khách sạn Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn trong quý 1/2020. Một vài khách sạn cao cấp tại TPHCM ghi nhận tỷ lệ lấp đầy sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 30-40% trong tháng 2/2020. CBRE Việt Nam dự đoán nhu cầu du lịch sẽ dần hồi phục vào quý 3/2020 (trong trường hợp dịch bệnh được khống chế vào quý 2/2020) và sẽ tăng trưởng lại nhanh chóng vào quý 4/2020. 

Dịch Covid-19 kéo tụt tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương  - 2
GDP sụt giảm khi tình hình dịch bệnh kéo dài

Cũng theo CBRE Việt Nam, với ảnh hưởng của dịch thì công nghiệp và kho vận sẽ sụt giảm công suất sản xuất ảnh hưởng nhiều đến bất động sản công nghiệp.

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sẽ gây ra ảnh hưởng dây chuyền đến các quốc gia lân cận. Bởi vì, 40% hàng hóa trung gian trong chuỗi cung ứng của khu vực châu Á đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Từ đó, các nhà kinh tế nhận định Việt Nam, Malaysia và Campuchia sẽ là những thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hơn 6% tổng giá trị gia tăng (GVA) của các nền kinh tế này đều phụ thuộc vào Trung Quốc.

Về bất động sản nhà ở, các chủ đầu tư cũng như công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra thị trường cùng lúc, sẽ dẫn đến sự cạch tranh gay gắt trong nửa cuối năm.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình.

Cho đến nay, thị trường văn phòng tạm thời chưa chịu ảnh hưởng đáng kể từ Covid-19, tuy nhiên nếu tình hình kéo dài, các công ty sẽ có thể xem xét lại ý định dịch chuyển và mở rộng văn phòng.

Quế Sơn