Đi tìm giải pháp cho thị trường ngoại hối

(Dân trí) - Thị trường ngoại hối thêm một lần nữa trở nên căng thẳng khi nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang muốn găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá lên.

Đi tìm giải pháp cho thị trường ngoại hối - 1
Căng thẳng cặp tỷ giá USD/VND (ảnh: Việt Hưng).
 
Trong khi đó khách hàng cá nhân có nguồn ngoại tệ thì tìm đến các điểm thu đổi ngoại tệ tự do để bán với tỷ giá cao. Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng này?

“Tắc” thị trường ngoại hối

Mặc dù các ngân hàng thương mại đã mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay USD, nhưng các doanh nghiệp chưa dám vay vì lo ngại biến động tỷ giá. Họ chọn cách vay bằng VND với lãi suất được hỗ trợ còn khoảng 6%, sau đó dùng VND mua ngoại tệ để thanh toán thay vì vay trực tiếp bằng USD.

Hiện mức lãi suất cho vay bằng USD đã giảm một nửa so với cách đây hai tháng, các khoản vay ngắn hạn bằng USD tại các ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến ở mức 3%/năm, trung và dài hạn 3,5 - 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức từ 3 - 5%/năm, trung và dài hạn 4 - 6%/năm.

Ông Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Đức Việt cho biết: “Các doanh nghiệp nhập khẩu thích mua USD hơn là vay từ ngân hàng vì lo ngại biến động tỷ giá, hơn nữa đến hạn trả nợ lại khó còn nguồn mua.”

Còn nếu doanh nghiệp có nhu cầu mua thì tỷ giá cũng không “mềm.” “Các ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá với mức 17.800 đồng/USD nhưng các doanh nghiệp không thể mua được với giá này, ngân hàng thường tính thêm vài khoản phụ phí để đẩy giá mua USD lên sát với thị trường bên ngoài. Chúng tôi đang mua USD của một ngân hàng thương mại có trụ sở tại Hà Nội với giá 18.200 đồng/USD,” ông Tân cho biết thêm.

Các doanh nghiệp có USD cũng không muốn bán USD ra vì đến khi họ cần thì không biết mua ở đâu mà rủi ro về tỷ giá luôn rình rập. Còn nếu cần VND thì họ có thể vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất với mức hỗ trợ 4%.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết: “Với tỷ giá như hiện nay, các ngân hàng hầu như không mua được ngoại tệ, vì vậy cũng không có nhiều USD để bán cho doanh nghiệp.”

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: “Không phải bây giờ mà tình trạng căng thẳng USD đã xảy ra nhiều lần tại Việt Nam từ năm 2008 tới nay. Vấn đề ở đây là, VND đang được định giá quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.”

Theo tiến sĩ Tự Anh, nguyên nhân của vấn đề trên là Việt Nam đang theo đuổi chính sách tỷ giá cố định hay còn gọi là neo tỷ giá. Tuy nhiên, nếu Việt Nam nâng tỷ giá sẽ làm thu nhập thực tế tính theo USD của người dân Việt Nam xuống dưới 1.000 USD. Hơn nữa, nếu tỷ giá tăng sẽ làm các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam trở nên lớn lên.

“Tuy nhiên, nếu giữ tình trạng này kéo dài sẽ rất bất lợi cho nền kinh tế. Thị trường ngoại hối bị đóng băng, nhà xuất khẩu có ngoại tệ nhưng không bán, nhà nhập khẩu có nhu cầu nhưng lại không mua được. Trong khi đó, các hoạt động sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế," tiến sĩ Tự Anh cho biết thêm.

Đi tìm giải pháp

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, có 2 giải pháp có thể khai thông cho thị trường ngoại hối. Thứ nhất là cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ngoại tệ để huy động ngoại tệ trôi nổi trong nền kinh tế và ngoại tệ được coi là thừa của ngân hàng thương mại.

Giải pháp thứ hai là tạo cơ chế mua đứt bán đoạn thay cho tín dụng ngoại tệ nhằm nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp, ngân hàng và tính thị trường trong quan hệ ngoại hối.

Tuy nhiên, những giải pháp trên có lẽ chỉ giải quyết tạm thời trong giai đoạn trước mắt, còn về lâu dài, theo tiến sĩ Tự Anh,để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần có chính sách rõ ràng và nhất quán. Nếu kiên quyết giữ tỷ giá thì phải “bơm” USD ra để “hạ nhiệt” thị trường, nhưng phải đề phòng khả năng thị trường hiện nay như mảnh đất cằn thiếu nước, bơm ra bao nhiêu sẽ 'hút' hết bấy nhiêu. Tuy nhiên với lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có thể làm được điều này.

Còn một cách khác là giảm giá từ từ VND và xem phản ứng của thị trường, thu hẹp khoảng cách giữ thị trường tự do và thị trường chính thức. Khi giảm giá VND, phải xem xét phản ứng thị trường, nếu thấy thị trường ổn định thì dừng điều tiết.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia, nâng tỷ giá sẽ khuyến khích xuất khẩu nhưng nâng lúc này là chưa có lợi vì Việt Nam vẫn đang nhập siêu lớn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng nâng tỷ giá sẽ hạn chế được nhập khẩu, giảm tình trạng nhập siêu hiện nay bởi Việt Nam vẫn đang nhập khẩu nhiều mặt hàng mà trong nước cũng sản xuất được. Nếu hạn chế được nhập khẩu thông qua công cụ tỷ giá thì có thể sẽ tạo ra thị trường tốt hơn cho nhiều nhà sản xuất trong nước.

Còn lời khuyên đối với doanh nghiệp lúc này là hãy luôn “căng mắt” ra theo dõi tình hình và phải có phương án phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, linh hoạt trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường, bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, hài hòa lợi ích các chủ thể kinh tế và sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế, bảo đảm việc sử dụng ngoại tệ cho các mục đích cần thiết, đáp ứng ngoại tệ phục vụ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế.

PV (Theo TTXVN)