1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

"Đi kiểm toán mà chén chú, chén anh thì sao có thể công tâm, khách quan?"

“Khoảng cách giữa kiểm toán viên và đại diện đơn vị được kiểm toán ít nhất là một khuỷu tay. Chứ nếu ngồi chén chú, chén anh trong quá trình thanh tra, kiểm toán thì sao có thể làm việc công tâm, khách quan được?”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

Đi kiểm toán mà chén chú, chén anh thì sao có thể công tâm, khách quan? - 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Internet)

 

Mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký ban hành công điện về việc “Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ”. Trong đó, có các yêu cầu như giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan của kiểm toán viên nhà nước; không được đánh bạc dưới mọi hình thức; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; không lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi; không được uống rượu, bia và hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán; nghiêm cấm việc bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán.

Nguyên nhân dẫn tới động thái nêu trên của Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc là thực trạng vẫn có một số đơn vị, cán bộ, công chức, Kiểm toán viên chấp hành chưa nghiêm quy chế, quy định, quy trình và chuẩn mực đạo đức nghề ngiệp.

Đi kiểm toán mà chén chú, chén anh thì sao có thể công tâm, khách quan? - 2

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: VOV)

 

Từng có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đánh giá cao tính cần thiết của yêu cầu kiểm toán viên không lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi; không được uống rượu, bia và hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán.

Ông Hùng nói: “Điều này thể hiện sự liêm chính. Chứ nếu để cán bộ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra nhậu nhẹt với đơn vị đang được kiểm tra, kiểm toán là không chấp nhận được. Có lúc rượu bia nói thay anh thì sao? Chưa kể việc ăn uống như vậy dễ khiến cán bộ thực hiện thanh tra, kiểm tra mủi lòng, sinh ra tâm lý nể nang, né tránh khi thực hiện công vụ. Đáng lẽ chúng ta nên làm từ lâu”.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, các cán bộ, công chức làm việc trong các ngành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cần tuyệt đối tránh xa bia, rượu. Đối với các cán bộ nghiện bia, rượu, cần điều chuyển sang các bộ phận, cơ quan khác.

Song ở chiều ngược lại, ông Hùng cũng chỉ ra những trường hợp chủ động mời rượu bia là chiêu thức của một số đơn vị quản lý ở cấp dưới, của một bộ phận tại đơn vị được kiểm toán, thanh tra, kiểm tra khi họ không muốn bị "soi", bị hạch sách.

“Hiện tượng này cũng có thể được gọi là trên nóng, dưới lạnh. Cơ quan cấp trên ra quy định, nhưng các cơ quan cấp dưới buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm túc các quy định đề ra. Thêm vào đó, một bộ phận các cán bộ tại cơ quan cấp trên không gương mẫu. Đây là một trong những nguyên do dẫn tới hành vi vi phạm của rất nhiều cán bộ trong thời quan qua.

Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI, rồi Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII đã chỉ rõ những yếu kém, sai phạm xuất hiện ở một bộ phận Đảng viên. Trong đó, có hiện tượng nơi lỏng trong công tác kiểm tra, buông thả trong sinh hoạt, không giữ gìn đạo đức công vụ. Tới khi thực hiện thanh tra, kiểm tra thì chỉ làm việc qua loa, hình thức”, ông Vũ Quốc Hùng nhận xét.

Từ đây, ông Vũ Quốc Hùng đề xuất, nên hướng tới thể chế hóa hành vi, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức khi thi hành công vụ nhằm góp phần ngăn chặn sai phạm, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức.

“Trước mắt, tôi đề xuất Kiểm toán Nhà nước nên thực hiện nghiêm túc việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với kiểm toán viên trong thực hiện nhiệm vụ. Sau một thời gian, cần tiến hành tổng kết, chỉ ra thuận lợi, khó khăn. Đồng thời, hoàn thiện các quy định đó.

Không chỉ có các cán bộ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra phải gương mẫu, giữ gìn đạo đức công vụ. Mà tất cả cán bộ, công chức đều phải giữ gìn đạo đức, hình ảnh của bản thân và cơ quan nơi mình đang công tác. Thêm vào đó, Đảng uỷ các cấp cũng có chức năng kiểm tra, chứ không chỉ Uỷ ban Kiểm tra các cấp”, ông Hùng nói.

Đi kiểm toán mà chén chú, chén anh thì sao có thể công tâm, khách quan? - 3

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Thành An/Danviet)

 

Nhìn nhận yêu cầu kiểm toán viên không được uống rượu, bia và hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán ở một góc độ khác, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận xét: “Thực tế quy định này không cần thiết. Bản thân cán bộ của các cơ quan thanh tra, kiểm toán khi thực thi công vụ, dù ở trong hay ngoài giờ làm việc, cũng không được có quan hệ ngoài công tác với đối tượng của mình. Người thực hiện thanh tra và người bị thanh tra không thể cùng ngồi ăn, uống cà phê, chứ chưa nói tới chuyện nhậu nhẹt, hát karaoke cùng nhau”.

Theo ông Ánh, trong thời gian thanh tra, kiểm tra, quan hệ giữa kiểm toán viên và đơn vị được kiểm toán đơn thuần chỉ là quan hệ công việc. Sau khi hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kết thúc, quan hệ giữa hai bên có thể trở về mối quan hệ xã hội thông thường.

“Trong tiếng Anh có từ arm lengh nhằm mô tả quan hệ độc lập giữa hai chủ thể. Khoảng cách giữa kiểm toán viên và đại diện đơn vị được kiểm toán trong trường hợp này ít nhất là một khuỷu tay. Chứ nếu ngồi chén chú, chén anh trong quá trình thanh tra, kiểm toán thì không thể hòi hỏi sự công tâm, khách quan được”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

Theo Nguyên Phương
Dân Việt

Đi kiểm toán mà chén chú, chén anh thì sao có thể công tâm, khách quan? - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm