ĐHCĐ VietinBank: "Buộc phải tăng vốn ngay năm nay mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng"

(Dân trí) - Lãnh đạo ngân hàng cũng nhận định tăng vốn là yêu cầu cấp bách và khó khăn lớn nhất của VietinBank, tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

ĐHCĐ VietinBank: Buộc phải tăng vốn ngay năm nay mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng - 1

Đại hội cổ đông VietinBank diễn ra sáng 23/4.

Sáng nay (23/4), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. 

Tại đại hội, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, năm 2019, kế hoạch tăng vốn tự có của ngân hàng là nội dung rất cấp bách và việc này đang được trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới việc tăng vốn, ông Lê Đức Thọ cho hay, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 9,6% và hợp nhất là 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của ngân hàng đã ở mức dưới 8%. Trong khi đó, theo lãnh đạo VietinBank, từ năm 2013, ngân hàng không tăng vốn.

"Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp thay thế nhằm cải thiện tài sản có rủi ro theo quy định của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thị trường. Thời gian qua, nhà băng đã cấu trúc lại vốn tự có, phát hành trái phiếu thứ cấp bổ sung vào vốn cấp 2. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng đã khai thác tới hạn theo quy định”, ông Thọ lý giải về nguyên nhân tăng vốn trong thời điểm này.

Ông cũng nhấn mạnh: "Đối với câu hỏi nếu không được tăng vốn của cổ đông, VietinBank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng".

Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo ngân hàng cũng nhận định tăng vốn là yêu cầu cấp bách và khó khăn lớn nhất của VietinBank, tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Sau khi cổ phần hoá năm 2008, ngân hàng đã tăng qui mô tài sản trên 6 lần. Hiện tại những phương pháp tăng vốn cấp 2 đã được khai thác ở mức tối đa và khó có thể tiếp tục thực hiện do bị ràng buộc bởi giới hạn vốn cấp 2 so với vốn cấp 1, tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước.

Ban điều hành ngân hàng xác định kế hoạch kinh doanh của VietinBank trong năm 2019 phụ thuộc chủ yếu vào lộ trình tăng vốn đang trình các cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, tại đại hội lần này, Hội đồng Quản trị VietinBank trình cổ đông thông qua 2 phương án là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) và để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ. Tổng lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức dự kiến năm 2018 là 6,6 tỷ đồng.

Với kế hoạch tăng vốn thành công, VietinBank đặt mục tiêu năm 2019 tổng tài sản tăng 2% - 5%; dư nợ tín dụng tăng 6% - 7%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10% - 12% so với số cuối năm 2018.

Đồng thời, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng đạt 7.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 9.000 tỷ đồng.

Tại đại hội, VietinBank đã tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2019-2024.

Danh sách thành viên HĐQT dự kiến có 8 người, bao gồm: ông Lê Đức Thọ, ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, bà Trần Thu Huyền, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Hiroshi Yamaguchi, ông Hideaki Takase.

Hai thành viên mới tham gia HĐQT lần này bao gồm: ông Trần Văn Tần, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN và bà Phạm Thị Thanh Hoài hiện đang là Trưởng phòng Khách hàng FDI và nguồn vốn quốc tế, khối khách hàng doanh nghiệp VietinBank.

Danh sách ứng viên bầu vào BKS gồm 3 người là bà Lê Anh Hà, hiện đang là Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro kiêm Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ; bà Nguyễn Thị Anh Thư đang là Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ; ông Nguyễn Mạnh Toàn đang là Trưởng phòng Pháp chế, Khối Pháp chế và Tuân thủ.

Phương Dung