1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đến năm 2025, thoái vốn Nhà nước tại 141 doanh nghiệp

Hà Phong

(Dân trí) - Quyết định về phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025 quy định, thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 141 doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025 theo các hình thức: Duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn Nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, giai đoạn 2022-2025 duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022-2025).

19 doanh nghiệp được thực hiện cổ phần hóa, 5 doanh nghiệp được sắp xếp lại; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn Nhà nước tại 126 doanh nghiệp.

21 doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022-2025.

Đến năm 2025, thoái vốn Nhà nước tại 141 doanh nghiệp - 1

Giai đoạn 2022-2025, Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (Ảnh: Hà Phong).

Đáng chú ý, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ thoái vốn Nhà nước về 0% trong Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển rau hoa quả thực trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2025. 

Vốn Nhà nước tại 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng gồm: Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Công ty cổ phần; Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng; Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần cũng sẽ được thoái hết. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Công ty cổ phần được để 51% vốn Nhà nước sau khi thoái vốn. 

Việc thoái vốn Nhà nước cũng được thực hiện nhiều tại 25 doanh nghiệp thuộc UBND TP Hà Nội. Đơn cử, trong giai đoạn năm 2024-2025 sẽ thực hiện thoái vốn Nhà nước về 0% tại: Công ty cổ phần Bao bì 277 Hà Nội; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Haneco; Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú; Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình; Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội; Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hồng Lĩnh…

Một số doanh nghiệp của Hà Nội có 51% vốn Nhà nước sau khi thoái vốn gồm: Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh.

Ngoài ra, trong danh sách 141 doanh nghiệp thoái vốn Nhà nước giai đoạn năm 2022-2025 còn có nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Thái Nguyên...

Các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Bộ Y tế, UBND TPHCM, UBND tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp chưa được quy định tại Quyết định này (không thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) sẽ thực hiện sắp xếp theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quyết định cũng nêu rõ, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày 29/11 năm nay phải thực hiện theo đúng quy định. 

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động điều chỉnh lại tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi xây dựng Phương án theo Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Quyết định này và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp.

Đối với các doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn thì thực hiện theo Phương án đã được phê duyệt và tiếp tục xây dựng phương án để thực hiện thoái vốn theo tỷ lệ quy định tại Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Quyết định này.