Thoái vốn Nhà nước năm 2020: Vắng "bom tấn", khó kịp "chạy deadline"?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - 2020 là năm cuối của kế hoạch thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên nhiều mục tiêu đề ra vẫn còn xa. Liệu có còn hy vọng trong những tháng cuối năm?

Thoái vốn Nhà nước năm 2020: Vắng bom tấn, khó kịp chạy deadline? - 1

Theo Bộ Tài chính, một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch Covid-19.

“Hàng ngon” khó nuốt, chưa thấy thương vụ ghi dấu ấn

Gần đây nhất trên HoSE, một cuộc đấu giá cổ phần lớn phải hủy bỏ. Đây chính là đợt đấu giá hơn 46 triệu cổ phần FPT mà SCIC đang nắm giữ.

Dự kiến diễn ra vào ngày 7/8 tuy nhiên đợt đấu giá này không được tổ chức do đến hạn đăng ký vẫn không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.

Dù là doanh nghiệp lớn nhiều tiềm năng, nhưng vì đâu số cổ phần FPT bị “ế”? Trên thực tế, cổ phiếu FPT vẫn được các nhà đầu tư ngoại săn đón và liên tục mua bán.

Theo đó, ngày 6/8, Aberdeen Frontier Markets Investment Company Limited và Macquarie Bank Limited đã chuyển nhượng thành công gần 1,5 triệu cổ phiếu FPT cho Keyrock Capital Master Fund, Ltd. Ngày 11/8, Truck Capital Master Fund, Ltd chuyển quyền sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu cho Aberdeen Standard Sicav I và Emerging Markets Smaller Companies Fund. Tới 14/8, 2 quỹ trên tiếp tục nhận chuyển nhượng 709.480 từ Macquarie Bank Limited.

Tuy cổ phiếu hấp dẫn song các nhà đầu tư ngoại đã nằm ngoài cuộc chơi trong đợt đấu giá vừa qua của SCIC khi room ngoại đã cạn. Đây là một trong các nguyên nhân lớn khiến đợt đấu giá cổ phần FPT thất bại.

Với việc đấu giá cả lô 46 triệu cổ phiếu, mức giá khởi điểm 49.400 đồng cổ phiếu khiến giá trị phải bỏ ra để sở hữu được lô cổ phiếu này lên tới 2.273 tỷ đồng. Đây là một mức giá lớn so với tiềm lực các nhà đầu tư trong nước ở thời điểm hiện tại.

Tính cả đợt đấu giá này, trên HoSE từ đầu năm đến nay đã có 12 đợt đấu giá bị hủy trong đó có cả một đợt đấu giá lớn không kém khác là Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GENCO 3) muốn thoái hơn 63 triệu cổ phần VSH - Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh với giá khởi điểm 31.931 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị cổ phần đấu giá trên 2.012 tỷ đồng.

Với đợt đấu giá này, tuy thực hiện đấu giá với bước tối thiểu 100 cổ phần tuy nhiên đến hạn đăng ký, không một nhà đầu tư nào tham gia. Nguyên nhân “ế” được đánh giá là đến từ việc mức giá khởi điểm “trên trời” mà Genco 3 đưa ra.

Từ tháng 4 đến nay, mức giá giao dịch trên sàn của VSH luôn lình xình quanh mức 16-17.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá khởi điểm cao hơn tới 87% so với mức giá trên sàn.

Trên HNX, SCIC cũng phải ngậm ngùi nhiều phiên “mang đến lại mang về” như 2 phiên đấu giá cả lô 9% cổ phần tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) ngày 22/4 và 17/6, 2 phiên đấu giá cả lô 180.810 cổ phần (6,02%) Công ty Cổ phần Dược Khoa vào ngày 6/4 và 28/05, tương tự là phiên đấu giá cổ phần tại CTCP Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) cũng không được thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, mới chỉ có 8 đợt đấu giá diễn ra trên HNX. Tổng số cổ phần bán được là 33,1 triệu cổ phần trên tổng số 34,2 triệu cổ phần chào bán tương đương tỷ lệ hoàn thành là 96%. Tổng giá trị thu về ở mức 855,8 tỷ đồng, giá trị này mới chỉ bằng 22% giá trị trúng giá năm 2019 với 34 đợt đấu giá.

Trong khi đó, tại HoSE cũng buồn không kém với chỉ 7 đợt đấu giá diễn ra từ đầu năm trong đó 6 phiên là thoái vốn nhà nước.

Thoái vốn Nhà nước năm 2020: Vắng bom tấn, khó kịp chạy deadline? - 2

Nhìn chung, chưa có đợt đấu giá thành công nào ghi dấu ấn với nhà đầu tư trong 8 tháng 2020 vừa qua.

Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng đầu năm 2020, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 7/2020: thoái 25,63 nghìn tỷ đồng, thu về trên 172,8 nghìn tỷ đồng.

Liệu khả năng đột biến cuối năm?

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm.

Một trong các nguyên nhân được Cục này chỉ ra, đó là do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn như các quy định tại các Nghị định số: 01/2017/NĐ-CP, 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP… nên các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa, thời gian thực hiện kéo dài hơn…

Những khó khăn trên vẫn đang còn hiện hữu. Trên thị trường chứng khoán, nhìn về triển vọng dòng tiền trong những tháng cuối năm, sự tham gia của dòng tiền lớn trong nước trên thực tế vẫn còn thiếu vắng. Còn về dòng tiền khối ngoại, nhóm phân tích BSC vẫn nhen nhóm kỳ vọng vào một đợt dòng tiền có thể quay lại vào thời điểm cuối năm 2020 khi MSCI chuẩn bị tiến hành nâng hàng Kuwait lên thị trường mới nổi sang thời điểm tháng 11/2020.

Việc đẩy mạnh công tác thoái vốn sẽ giúp cho chính phủ có thêm nguồn thu hỗ trợ vốn cho việc giải ngân các dự án đầu tư công trong giai đoạn sắp tới. Một số cổ phiếu đáng chú ý đến chủ đề thoái vốn có thể được đẩy nhanh tiến độ theo BSC đánh giá gồm DBD (13,3%), DVN (29%), SAB (36%), VGC (38.6%), PLX (75,9%), HVN (86,2%), IDC (36%),...

Ở góc nhìn của các chuyên gia phân tích đến từ công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc là KBSV cũng cho rằng tiến trình thoái vốn khó có sự đột biến trong nửa cuối năm do điều kiện thị trường thiếu thuận lợi.

Để việc thoái vốn diễn ra thuận lợi với giá bán đạt mục tiêu đề ra, thị trường chứng khoán cần tăng trưởng lên nền giá cao (tương tự giai đoạn 2017- đầu 2018), với thanh khoản đủ lớn, cùng sự tham gia của dòng vốn ngoại để hỗ trợ khả năng hấp thụ của nhà đầu tư trong nước. Vậy nên kịch bản tích cực khó có thể xảy ra khi bối cảnh vĩ mô trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong 6 tháng cuối năm.

Tuy vậy, “mặc dù khả năng hoàn thành thoái vốn theo danh mục này là không cao, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn có thể kỳ vọng 1 số thương vụ thoái vốn lớn có ảnh hưởng đến thị trường diễn ra trong nửa cuối năm như ở SJS, SAB hay VGC”, KBSV nhận định.

Một yếu tố được các nhà phân tích đánh giá cao trong tiến trình thoái vốn hiện tại chính là ở quyết tâm cao của Chính phủ khi đây là năm cuối của kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016 -2020. Quyết tâm này tiếp tục được củng cố hơn trong kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Mới đây nhất, SCIC đã chính thức tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ Bộ Công Thương và 4 tổng công ty gồm Sông Đà, Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) từ Bộ Xây dựng.