Đến lúc không thể nói suông với thủy điện
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa kiến nghị tạm dừng cấp phép đầu tư thủy điện và tiến hành rà soát để loại bỏ các dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội, kể cả dự án đã được phê duyệt hoặc đang thi công.
Đảo lộn cuộc sống của dân
Những tồn tại dai dẳng ở Dự án thủy điện Đồng Nai 3 - nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng - là điển hình về việc thủy điện làm đảo lộn cuộc sống của dân, đẩy người dân vào cảnh khốn khó. Thật khó tin là thủy điện này đã phát điện từ hai năm trước, đến nay người dân vẫn chưa được đền bù dứt điểm, các hộ đi tái định cư vẫn chưa có đất sản xuất. Hiện Ban Quản lý dự án thủy điện 6 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam - còn nợ người dân xã Đắc Plao, huyện Đắc G’long (Đắc Nông) tiền đền bù 100ha đất. Đây là diện tích ngập phát sinh sau tích nước lòng hồ.
Ngoài ra, còn 400ha đất khác nằm trên cốt ngập, chủ đầu tư cam kết đền bù nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tại khu tái định cư, người dân đã về ở gần 3 năm nhưng vẫn còn thiếu đến 250ha đất sản xuất. Chuyện nực cười khác xảy ra tại thủy điện Đồng Nai 2 - xã Tân Thượng, Di Linh (Lâm Đồng): Dự án thủy điện này được đầu tư hơn 2.900 tỉ đồng, song chủ đầu tư lại kêu... thiếu tiền, nợ tiền đền bù của dân. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu phải trả hết tiền đền bù trước 15.7, nhưng đến nay, Cty Trung Nam mới đang thu xếp đi vay 100 tỉ đồng.
Tại tỉnh Kon Tum, đập chính thủy điện Đăk Đring đã xây dựng sắp hoàn thành, dự kiến 31.8 sẽ tích nước, vậy mà khu tái định cư vẫn chỉ là những hạng mục dở dang. Chỉ lo xây dựng thủy điện, xem nhẹ việc tái định cư là nguyên nhân dẫn đến vụ hốt hoảng di dời gần 1.000 người thuộc 7/10 làng của xã Đăk Nên, huyện Kon Plông hôm 8.7. Và dù đã thoát khỏi thủy thần, song gần 1.000 người dân còn lâu mới ổn định đời sống ở khu tái định cư.
Tàn phá môi trường
Do thiết kế chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác, một loạt các thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã và sẽ gây khô hạn cho vùng hạ lưu như thủy điện An Khê - Ka Nak chuyển nước sông Ba về sông Côn, thủy điện Thượng Kon Tum chuyển nước sông Đăk Snghé về sông Trà Khúc... Không chỉ nông thôn mất thu nhập vì thiếu nước, đất bạc màu mà các đô thị lớn cũng bị ô nhiễm. Tại Đắc Lắc, các bậc thang thủy điện trên sông Sêrêpốk chỉ xả nước 4 giờ/ngày vào mùa khô, khiến các khu du lịch nổi tiếng trở nên hoang tàn.
Kết quả giám sát mới đây của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng cho thấy, việc trồng rừng thay thế của các thủy điện cũng đang ở mức báo động. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi Nghị định 23/NĐ - CP có hiệu lực đến nay, chỉ có 757/22.770ha rừng được trồng thay thế. Trong đó, tỉnh Đắc Lắc trồng được 63/845ha, Quảng Nam 520/7.657ha, còn Lâm Đồng thì hầu hết đều chưa trồng. Trong khi đó, ngoài diện tích rừng chuyển đổi làm thủy điện, một diện tích khác còn bị chặt phá do việc mở đường, hình thành lòng hồ... Diện tích trồng rừng quá ít là do UBND các tỉnh không bố trí được quỹ đất, nhưng trước đó, chính các tỉnh này đã phê duyệt dự án thủy điện, trong đó có trồng rừng thay thế.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên rà soát lại quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, tác động xấu đến môi trường và xã hội, kể cả các dự án đã được phê duyệt hay đang thi công.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mặc dù đã loại bỏ 155 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch, nhưng vẫn còn nhiều dự án hiệu quả thấp, gây hại cho môi trường và xã hội cần phải tiếp tục loại bỏ. Lợi ích phát điện sẽ không được là lý do để hy sinh các lợi ích xã hội và môi trường khác. Không kể các dự án quy hoạch và vị trí tiềm năng, Tây Nguyên hiện có 118 dự án thủy điện đã hoàn thành với tổng công suất hơn 5.798MW và 75 dự án đang thi công với tổng công suất hơn 1.945MW. |
Theo Đặng Trung Kiên