Đề xuất thu thuế tại Khu Phi thuế quan: Vì sao miễn rồi lại... thu?
(Dân trí) - Thảo luận về đề xuất của Chính phủ áp dụng thu thuế trở lại ở Khu Phi thuế quan tại buổi làm việc của UBTV Quốc Hội sáng 25/9, nhiều Đại biểu bày tỏ băn khoăn rằng đây là hiện tượng: luật mới đá luật cũ và không quản được thì cấm
phải là hiện tượng: không quản được thì cấm và luật sau “đá” luật trước đang diễn ra khá nhiều tại các luật chuyên ngành.
Nguyên nhân đề xuất áp dụng trở lại thu thuế tại các khu Phi thuế quan hiện nay là do qua thực tiễn các khu PTQ của Việt Nam đang tồn tại quá nhiều vấn đề, lợi dụng ưu đãi của Nhà nước nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn hàng trốn thuế và hàng tạm nhập tái xuất gia tăng…
Vì sao từ "miễn thuế" thành "có thuế"
Hiện, tại Việt Nam có hai khu kinh tế đang được áp dụng tiêu chuẩn miễn thuế là Khu kinh tế Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh) và Khu kinh tế Lao Bảo (Hướng Hóa - Quảng Trị) được áp dụng tiêu chuẩn phi thuế quan, hàng hóa vào đây được miễn thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh trên phương tiện truyền thông, thời gian qua, hiện tượng buôn lậu diễn ra tại hai Khu kinh tế này rất nhức nhối. Chính phủ và các bộ ngành kiến nghị xem xét lại việc tiếp tục áp dụng mô hình phi thuế quan để chặn buôn lậu.
Theo Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện Chính phủ đề xuất xây dựng cơ chế thu thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng tại Khu vực phi thuế quan vì: chính sách miễn thuế tại đây đang bị lợi dụng cho buôn lậu và chứa hàng tạm nhập tái xuất. Bộ trưởng Dũng cho biết thêm: “Tôi đi khắp các Khu Phi thuế quan của các nước, họ đều chỉ có doanh nghiệp không có dân ở. Tại Việt Nam, chúng ta có hai khu kinh tế được áp dụng cơ chế phi thuế quan là Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo và Khu Kinh tế Cầu Cheo… Hai khu kinh tế này hiện tồn tại hơn 100.000 dân sinh sống”.
Thứ trưởng Hải cho rằng, việc có người dân tại Khu vực Phi thuế quan khiến cho tình trạng buôn lậu, buôn hàng miễn thuế, chưa hàng tạm nhập tái xuất diễn ra. Qua tìm hiểu thực tế, đây là đầu mối trung chuyển và 1 phần nguyên nhân làm gia tăng hàng lậu tuồn vào Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm UBKH Quốc hội Phan Xuân Dũng: “Ở các nước, Khu vực Phi thuế quan biệt lập với dân cư, có hàng rào và có cơ chế thông quan rất nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, chúng tôi đã từng đi khảo sát ở 1 Khu vực ưu đãi thuế quan: rất mênh mông và có sự hòa đồng rất cao khu này với dân cư. Nếu không nói, không ai biết đây là khu vực ưu đãi thuế quan và người dân sống ở đây đang thu lợi từ hàng miễn thuế hoặc bị lợi dụng để buôn bán hàng lậu”.
Cần xem có phạm luật và thông lệ quốc tế
Phát biểu đề dẫn, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần xem xét việc thay đổi này có nguyên nhân từ đâu và có phù hợp với thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký và tham gia hay không. Nếu chúng ta thay đổi chính sách, tác động gì đến các khu kinh tế này và với mô hình này trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Dũng: “Chúng tôi đã rà soát và tìm hiểu mô hình của các nước trên thế giới về khu phi thuế quan, họ miễn thuế với điều kiện phải có hàng rào cứng, không có dân cư. Ta có hai khu kinh tế trên nhưng mỗi khu có hơn 100.000 dân cư sống ở đấy, vì thế chúng ta không quản lý được. Về tiêu chuẩn khu phi thuế quan chúng ta không đảm bảo được. Còn rà soát, chúng ta đã cam kết không phân biệt hàng hóa trong nước và nước ngoài; không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, do vậy về bản chất chúng ta chưa thực hiện đúng yêu cầu của Khu phi thuế quan theo tiêu chuẩn quốc tế và về luật thì chúng ta không phạm luật chơi nào cả”.
Theo 1 đại diện của UB Tài chính Ngân sách của Quốc Hội, việc ban hành và điều chỉnh luật là cần có nghiên cứu kỹ và học các nước khác. Đừng để luật chồng lên luật và luật sau đá luật trước, chúng ta làm thế nào để “vòng đời” của luật dài hơn thay vì sửa liên tiếp và mất đi tính thực tiễn trong nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các văn bản luật.
Cũng tại cuộc họp, có ý kiến đưa ra cân nhắc việc di chuyển các lao động trên rời khỏi các khu ưu đãi phi thuế quan. Tuy nhiên, để thực hiện việc này sẽ làm phát sinh vấn đề xã hội, việc làm và nhà ở. Các đại biểu yêu cầu cần xem lại tác dụng và hiệu quả của chính sách miễn giảm và ưu đãi thuế quan từ các Khu vực này đến đâu. Nếu không có tác dụng thì phải cắt bỏ tránh bị lợi dụng và tạo kẽ hở cho hoạt động gian lận thương mại.