Đề xuất hàng loạt ưu đãi riêng cho đặc khu Phú Quốc

(Dân trí) - Người nước ngoài có dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc từ 5 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng), đã có thời gian cư trú 5 năm trở lên, không vi phạm pháp luật sẽ được cấp thẻ thường trú tại Phú Quốc (loại thẻ cư trú không thời hạn, có giá trị thay thị thực đối với người nước ngoài).

Đây là một trong những điểm nhấn về cơ chế thu hút vốn đầu tư, người giỏi là các doanh nhân, chuyên gia người nước ngoài đến sống, làm việc tại đặc khu kinh tế Phú Quốc trong tương lai vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa vào Dự thảo Luật Đơn vị hành chính đặc biệt gửi Chính phủ xem xét.

Đặc khu Phú Quốc sẽ có cơ chế mở cửa cho người nước ngoài vào cư trú (ảnh minh hoạ)
Đặc khu Phú Quốc sẽ có cơ chế mở cửa cho người nước ngoài vào cư trú (ảnh minh hoạ)

Trước đó, về cơ chế ưu đãi chung cho 3 đặc khu kinh tế, cơ quan soạn đưa ra hàng loạt ưu đãi như: Miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá 2030 đối với cá nhân khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Đối với những nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân tại 3 đặc khu kinh tế kể trên, cũng được miễn thuế đến hết năm 2030 và giảm 50% số thuế theo các năm còn lại.

Về phát triển đặc khu Phú Quốc, theo Dự thảo Luật trên của Bộ KH&ĐT, Phú Quốc được ưu tiên đầu tư để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và mua sắm quốc tế.

Bên cạnh đó, đây sẽ là đặc khu duy nhất được ưu tiên phát triển ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, ngành đặc thù mà hai đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong không được ưu tiên.

Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, các tiềm năng lợi thế của Đảo Ngọc Phú Quốc hoàn toàn có thể phát triển thành trung tâm thương mại dù ở xa đất liền và chỉ có hai tuyến vận tải lớn là hàng không và đường biển.

“Phú Quốc có điều kiện thuận lợi về khí tượng thuỷ văn, môi trường tự nhiên, núi, rừng, biển, hệ sinh thái đa dạng, phong phú; thời tiết ôn hòa, thuận lợi cho phát triển du lịch quanh năm. Đặc biệt, Phú Quốc có ngư trường đánh bắt hải sản rộng lớn và tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất phong phú”, Bộ KH&ĐT, cơ quan soạn thảo nêu.

Ngoài ra, theo Bộ này, Phú Quốc đang còn diện tích đất nông nghiệp phì nhiêu; diện tích đất rừng lớn, chiếm 63,2% tổng diện tích đất tự nhiên, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Về hạ tầng để Phú Quốc trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và mua sắm quốc tế, Bộ KH&ĐT thuyết minh: "Kết cấu hạ tầng của Phú Quốc đã được đầu tư khá đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch quy mô lớn. Nhiều khu du lịch cao cấp, quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Bộ Chính trị đã đồng ý cho dự án casino tại Phú Quốc thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino".

Ngoài việc áp dụng các cơ chế ưu đãi chung dành cho đặc khu, Phú Quốc còn được áp dụng cơ chế riêng như: Nâng mức phụ cấp từ 30% lên 50% mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đặc khu Phú Quốc.

Đặc biệt, để khuyến khích đầu tư chính quyền đặc khu sẽ cấp thẻ thường trú cho cá nhân nhà đầu tư là người nước ngoài có dự án đầu tư từ 5 triệu USD trở lên, có thời gian cư trú từ 05 năm trở lên tại đặc khu Phú Quốc và không vi phạm pháp luật.

Cũng cùng mục tiêu xây dựng trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước, Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ được ưu tiên phát triển du lịch sinh thái biển đảo, phát triển công nghiệp sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Riêng Vân Phong (Khánh Hoà) với địa thế của mình được ưu tiến phát triển cảng nước sâu và dịch vụ logistics và các dịch vụ y tế, nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Nguyễn Tuyền