1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cho cầm cố, thế chấp dự án trên đất đặc khu ở ngân hàng ngoại

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Tờ trình về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gửi Chính phủ, theo đơn vị soạn thảo để tăng khả năng kêu gọi vốn, kiến nghị cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài, đây là cơ chế liên quan đến đất đai có tính chất “đột phá”.

Hiện trong cả nước, chỉ có ba địa phương là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) được xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn được gọi là đặc khu kinh tế).

Vân Phong (Khánh Hoà) 1 trong 3 địa điểm xây dựng đặc khu kinh tế
Vân Phong (Khánh Hoà) 1 trong 3 địa điểm xây dựng đặc khu kinh tế

Đơn vị soạn thảo đưa ra nhiều đề xuất xây dựng cơ chế đột phá về đất đai, thuế và chính sách, định hướng phát triển cho các đặc khu đầu tiên của Việt Nam, song không phải là mới của thế giới. Nhiều quan điểm cho rằng cần học tập kinh nghiệm xây dựng đặc khu từng có trên thế giới từ những năm 1980 và những đặc khu thành công tại các nước Ả rập, UAE, Singapore, Thâm Quyến (Trung Quốc) hay Jeju (Hàn Quốc)…

Trong các chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn từ các nước,cơ quan soạn thảo đề nghị: Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, để vay vốn đầu tư.

Thêm nữa, cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất, để thực hiện dự án đầu tư như tổ chức kinh tế trong nước.

Đặc biệt, Luật đặc khu sẽ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, được quyền nhận chuyển nhượng, mua, cho thuê, tặng cho, thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm nhà ở chung cư và căn hộ riêng lẻ…

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT khẳng định: Luật đơn vị hành chính đặc biệt sẽ không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Nhà nước không áp dụng hạn chế đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành và có cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, một số Hiệp định song phương về đầu tư và Hiệp định thương mại tư do (FTA).

Về ưu đãi cụ thể, DN được ưu đãi thêm 2 năm miễn thuế và 4 năm giảm 50% thuế thu nhập DN nếu thu nhập của DN có từ: Dự án đầu tư có thời hạn thực hiện từ 10 năm trở lên của nhà đầu tư nước ngoài trong điều kiện đáp ứng về quy mô vốn đầu tư trong ngành, nghề: du lịch, dịch vụ thương mại, phân phối, bán lẻ, dịch vụ logistics, dịch vụ y tế và giáo dục, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Tiêu chuẩn để giảm thuế là chủ đầu tư dự án phải là của các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới và của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, quỹ đầu tư 100% nước ngoài. Theo giải thích của Bộ KH&ĐT, quy định này nhằm thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến từ nước ngoài vào 3 đặc khu.

Để tạo động lực, Bộ KH&ĐT đang xem xét khả năng kêu gọi nhà đầu tư chiến lược cho các đặc khu trên. Điều kiện đáp ứng trước tiên để thành nhà đầu tư chiến lược là có số vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược phải có các dự án đầu tư, kinh doanh và quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội; dự án thuộc ngành, nghề trọng tâm ưu tiên.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm