Đề xuất giảm tiếp 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
(Dân trí) - Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu (trừ dầu hỏa) và mỡ nhờn là 1.000 đồng... trong năm 2024.
Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Bộ đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.
Cụ thể là giảm 2.000 đồng/lít với xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg, dầu hỏa 700 đồng/lít.
Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành luôn trong năm 2024.
Từ đầu năm 2025, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế, tức xăng là 4.000 đồng một lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Trước đó, tại Nghị quyết số 164, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương sản lượng xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến tiêu thụ năm 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 38.929 tỷ đồng và tổng thu ngân sách (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.
Theo đơn vị này, tác động làm giảm thu ngân sách, nhưng việc ban hành các chính sách điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn lại mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều này cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều khả năng giá thời gian tới vẫn biến động khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường trong nước.
"Việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về mức trần từ ngày 1/1/2024 sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần phải có giải pháp để góp phần ổn định giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024", dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Giá xăng ở Việt Nam được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, và các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp... Nhưng trong mỗi lít xăng, thuế, phí các loại chiếm khoảng 40%. Trong đó, mức thu thuế bảo vệ môi trường cố định trong mỗi lít xăng, dầu. Cụ thể, mỗi lít xăng, dầu đang bị thu từ 600-2.000 đồng, tùy loại (sau khi được giảm 50% từ đầu năm nay).