Đề xuất giảm 41 ngành nghề có điều kiện trong kinh doanh, đầu tư

(Dân trí) - Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 (danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện) trong Luật đầu tư 2014. Theo đó, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện được giảm 41 ngành, nghề xuống còn 226 ngành so với danh mục hiện hành 267.

Cụ thể, 27 ngành nghề được bãi bỏ, hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề, cập nhật, chuẩn xác hóa tên gọi của 18 ngành nghề... Đồng thời, bổ sung 15 ngành nghề vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo đề nghị của Chính phủ hiện nay là 226 ngành nghề, giảm 41 ngành so với 267 ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014.

Mang thai hộ, quản lý và vận hành chung cư là 1 trong những ngành vừa được đề xuất đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Mang thai hộ, quản lý và vận hành chung cư là 1 trong những ngành vừa được đề xuất đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Lý giải về 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chính phủ chỉ rõ, đây là quy định thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước.

Với các ngành nghề trùng lặp được hợp nhất, Chính phủ khẳng định đây là những ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý Nhà nước, cần đưa các ngành nghề này vào cùng một danh mục.

Đối với các ngành nghề mới được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chính phủ chỉ rõ: Đây là những ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành; ngành và là nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh cần quản lý Nhà nước chặt chẽ.

Theo đề xuất của Chính phủ, các ngành được bãi bỏ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện điển hình như: Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm; dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng, cây xanh; Kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng, cây xanh; Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; Kinh doanh dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai; Kinh doanh dịch vụ thoát nước.

Các ngành nghề được hợp nhất từ nhiều ngành nghề vào một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điển hình như: Hợp nhất các loại hình kinh doanh y tế liên quan đến con người như: Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ... vào Kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Hợp nhất ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng vào ngành Kinh doanh vàng nhằm đảm bảo thống nhất quản lý và phản ánh đầy đủ các hoạt động kinh doanh vàng đang được Ngân hàng Nhà nước hiện đang quản lý.

Các ngành nghề bổ sung vào danh mục kinh doanh có điều kiện, điển hình như: Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư và kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Theo giải trình của Chính phủ, nhà chung cư là nơi tập trung sinh sống của nhiều hộ gia đình, cá nhân, và có nguy cơ xảy ra nhiều rủi ro như cháy nổ, dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của cộng đồng. Do đó, việc quản lý, vận hành nhà chung cư là một công việc phức tạp, nhiều giai đoạn, không phải đơn vị nào cũng thực hiện được mà phải do đơn vị có chuyên môn thực hiện.

Còn ngành kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải vào nhóm ngành kinh doanh, đầu tư có điều kiện bởi trong những năm qua, hoạt động tư vấn du học (TVDH) có diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số công ty, tổ chức tư vấn du học không có đội ngũ tư vấn được đào tạo nghiệp vụ nên tư vấn sai, hoặc vì lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng; cố tình quảng cáo sai sự thật, làm giả hồ sơ.

Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay cả nước có hơn 4.000 công ty, tổ chức đăng ký kinh doanh dịch vụ TVDH. Ngoài ra, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ TVDH bằng nhiều hình thức đa dạng khác như tư vấn qua mạng, đa cấp... Hàng năm, người Việt Nam tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD cho việc du học nước ngoài. Do đó, cần đưa hoạt động này vào quản lý đặc thù, nhằm cung cấp dịch vụ có chất lượng cho người học và phụ huynh.

Nguyễn Tuyền