Đề xuất cắt, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, linh kiện "nội"
(Dân trí) - "Không áp dụng đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện và có thể nâng lên với từng dòng xe..."
Đây là một trong rất nhiều kiến nghị được đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ.
Theo đó, một trong những thay đổi, hoàn thiện chính sách đáng quan tâm nhất liên quan đến nghĩa vụ của Bộ Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thuế theo đề xuất "Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng có thời hạn từ 5 đến 10 năm, trong đó, không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước với ô tô".
Đặc biệt, "điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện".
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng xây dựng kế hoạch "Điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số các dòng xe áp dụng ở mức hợp lý".
Ở đây có thể là thuế tăng đối với xe hơi có dung tích xy-lanh cao hơn, xe tiêu hao nhiên liệu, xe sử dụng động cơ dầu hoặc xăng... để khuyến khích các dòng xe sử dụng ít nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường, xe xanh, xe điện.
Về nhiệm vụ của Bộ Công Thương, dự thảo Nghị quyết trên nêu rõ: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ, ngành liên quan xác nhận các ưu đãi và hỗ trợ đối với các dự án sản xuất ô tô có quy mô lớn.
Cụ thể, đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ trong nước có quy mô công suất từ 50.000 xe/năm trở lên, có cam kết về giá trị gia tăng tạo ra trong nước tối thiểu 40% và sản phẩm xuất khẩu trong vòng 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động cho ô tô, hệ thống điều khiển và phần mềm điều khiển động cơ, ô tô (ECU) được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ.. như miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực thiết kế chế tạo; Nghiên cứu phát triển; Công nghệ phần mềm...; Hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án tùy theo khả năng cân đối ngân sách địa phương; ngoài ra sẽ hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp.
Bộ Công Thương ban hành quy định xác định tỷ lệ gia tăng tối thiểu tạo ra trong nước để xác định xuất xứ đối với các hàng hóa xuất khẩu sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài ra, "Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp các ngành công nghiệp ưu tiên trở thành các Tập đoàn có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế. Không khuyến khích cấp phép các dự án FDI sản xuất các linh kiện và phụ tùng có quy mô nhỏ, hàm lượng công nghệ thấp", Dự thảo nêu.
Về nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu của Dự thảo Nghị quyết trên xây dựng tầm nhìn đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện Thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam được áp dụng đối với các dòng xe theo dung tích xy-lanh, trong đó xe có dung tích dưới 1.5L chịu thuế 35%, các dòng xe từ 1.5L đến 2.0L chịu mức thuế 40% đến 45%, các dòng 2.0L đến 3.0L chịu thuế suất 45%. từ 3.0L đến 4.0L sẽ chịu 50% và lên cao nhất 150% đối với xe có dung tích 6.0L trở lên.
Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang đánh vào xe hơi khiến các loại xe trong nước chịu giá cao, chi phí lớn. Mới đây, các doanh nghiệp xe hơi trong nước đã đề xuất giảm, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước có tỷ lệ nội địa hóa cao nhằm tăng sức cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ các nước ASEAN.
Nguyễn Tuyền