1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề xuất 3 tháng được tăng giá điện 1 lần không được chấp nhận

(Dân trí) - Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất giảm tần suất điều chỉnh giá điện tối thiểu giữa 2 lần từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên ở mức tối thiểu 6 tháng như hiện tại.


Phó Thủ tướng không chấp nhận đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện/lần

Phó Thủ tướng không chấp nhận đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện/lần

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016-2020.

Về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát lại toàn bộ những căn cứ, cơ sở của các thông số liên quan đến quy định giá tối thiểu, giá tối đa của mức giá bán lẻ điện bình quân, nhất là kế hoạch về sản lượng điện, cơ cấu nguồn điện, các yếu tố đầu vào khác của giá điện như giá khí, giá than, chênh lệch tỷ giá, giá dầu, tổn thất điện năng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tính toán ở mức 3%.

Về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 - 2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện lại dự thảo. Đáng lưu ý, văn bản cũng nêu rõ, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ theo hướng, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu 6 tháng. Bổ sung VCCI, hiện hội ngành hàng có liên quan trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân trình Thủ tướng trong tháng 4/2017.

Tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TT, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân được đề xuất từ 6 tháng giảm xuống còn 3 tháng. Liên quan tới nội dung này, theo Bộ Công Thương, trong năm 2015 và từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính và các Bộ ngành đã xem xét đánh giá việc thực hiện Quyết định số 69.

"Các Bộ ngành và nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định trong các năm tới việc quy định tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm. Mức tăng giá tối thiểu 7% trở lên cũng được đánh giá là cao, mỗi lần tăng giá điện sẽ có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước", Bộ Công Thương cho biết.

Trên cơ sở các nhận định trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài Chính đã dự thảo quy định lại tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng. Và quy định lại trong trường hợp hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3-5% và trong khung giá quy định, EVN được quyết định tăng; Trường hợp tăng 5-10%, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính được quyết định và trên 10% phải trình Thủ tướng.)

Góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, VCCI cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện (3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây) và giảm biên độ tối thiểu điều chỉnh giá điện (tăng 3% thay vì 7% so với trước đây) là sự thay đổi phù hợp. Điều này giúp cho giá điện sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn, bám sát diễn biến của các chi phí đầu vào và giúp EVN chủ động hơn trong việc điều hành sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá như vậy, cũng cần giảm ở mức tương ứng thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá.

Ngoài ra, theo VCCI, dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện từ chỗ EVN không được quyết định theo Quyết định 69 đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm. Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.

Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm, nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Như vậy, việc trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương lên đến 40% là khá cao so với mức biến động giá bình thường.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương. Nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm