Đề xuất 3 phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ 3 phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), trong đó đề xuất chọn phương án không sử dụng vốn ODA hoặc giao ACV chủ trì thành lập doanh nghiệp mới (pháp nhân mới) với tỷ lệ vốn chi phối của ACV để đầu tư, khai thác cảng.

Các phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành do Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS) và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng, đề xuất. Cụ thể:

Phương án 1: Đầu tư theo định hướng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA (cấp phát hoặc cho vay lại).

Phương án 2: Đề xuất là giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng không sử dụng vốn ODA. Trong phương án này có 2 đề xuất: Giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA; giao ACV chủ trì thành lập doanh nghiệp mới (pháp nhân mới) với tỷ lệ vốn chi phối của ACV để đầu tư, khai thác cảng.

Phương án 3: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng, dùng vốn của doanh nghiệp dự án, không sử dụng vốn vay ODA theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Các phương án đều được phân tích, đánh giá ưu nhược điểm dựa trên 6 tiêu chí: Hành lang pháp lý, vai trò và lợi ích của nhà nước; tiến độ thực hiện dự án, năng lực và kinh nghiệm đầu tư, khai thác của nhà đầu tư, mức độ thu hút nguồn vốn xã hội hoá đầu tư.

Đề xuất 3 phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - 1
Thiết kế sân bay Long Thành có kiến trúc hoa sen

Trong 3 phương án nói trên, Tư vấn và ACV đã kiến nghị đầu tư theo phương án 2 và đề xuất giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA.  

Đại diện ACV cho biết, nếu ACV làm chủ đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành theo phương án 2 sẽ có nhiều ưu điểm. Về pháp lý, các tổ chức hàng không quốc tế đã khuyến cáo một nhà ga nên giao cho một nhà khai thác để đảm bảo đồng bộ thông suốt.

ACV đang quản lý và khai thác 21 cảng hàng không - sân bay trên cả nước, đây là công ty cổ phần với 95,4% vốn Nhà nước. Trong khi đó, Long Thành là công trình lớn nhất trong mạng lưới sân bay quốc gia, vì vậy việc ACV đầu tư và quản lý cảng hàng không này sẽ tạo kết nối đồng bộ với các sân bay khác.

Đại diện ACV khẳng định cam kết thu xếp tài chính tốt nhất bằng vốn doanh nghiệp, dự kiến cân đối được 1,5 tỷ USD để thực hiện dự án sân bay Long Thành. ACV sẽ chỉ vay một phần hoặc phối hợp với đối tác khác để đầu tư các hạng mục.

Trong kiến nghị Thủ tướng, Hội đồng thẩm định Nhà nước lựa chọn phương án ACV đề xuất, để có thể khởi công công trình vào đầu năm 2021 và hoàn thành trong năm 2025 như Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ GTVT cho rằng, mặc dù ACV chưa đầu tư cảng hàng không mới có quy mô tương tự, nhưng ACV đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án riêng lẻ như xây dựng đường cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc, Cần Thơ; đầu tư sân đỗ tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; đầu tư nhà ga mới tại T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất...

Đề xuất 3 phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - 2
Bên trong nhà ga hành khách sân bay Long Thành lấy tạo hình hoa sen cách điệu làm tâm điểm

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Diện tích đất của dự án là 5.000 ha. Công suất đặt ra là 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Riêng thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách Cảng Long Thành đã thu hút 9 phương án dự thi, đây là sản phẩm của các đơn vị tư vấn thiết kế có uy tín đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…

Bộ Giao thông Vận tải có văn bản thống nhất chọn phương án LT-03 của Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc). Giữa năm 2018, ACV đã ký hợp đồng với tư vấn JFV (liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt) để thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn một sân bay Long Thành.  

Với quy mô đầu tư và công suất thiết kế lớn đã nhất được chấp thuận, Long Thành sẽ là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm