Để Việt Nam thành “điểm nóng” du lịch...

Sự kiện kể từ đầu tháng 5 du khách Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan đến Việt Nam du lịch trong 15 ngày <a href=" http://www.dantri.com.vn/Sukien/2005/4/51365.vip""> không cần thị thực (visa) </a>đang hứa hẹn thu hút được một lượng khách không nhỏ đến từ Bắc Âu. Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành vẫn tỏ ra lo lắng...

Thị trường du lịch hiện đang gần giai đoạn thấp điểm nhưng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đang tăng lên. Các khách sạn tại TPHCM hiện  đạt công suất phòng bình quân cao đến không ngờ: 78%.

 

Theo nguồn tin từ một số hãng lữ hành quốc tế, lượng du khách quốc tế của các công ty này hiện tăng khoảng 10%. Số liệu thống kê của Sở Du lịch TPHCM cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2005 đã có trên 654.000 du khách quốc tế đến thành phố.

 

Lần đầu tiên, số lượng du khách đến từ Mỹ vọt lên chiếm hàng số một trong số các nước có số lượng du khách đến thành phố đông nhất là Nhật, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp... Chỉ riêng trong tháng 4, đã có khoảng 22.500 khách Mỹ đến Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

 

Cô Đặng Tú Anh - phụ trách truyền thông của khách sạn 5 sao Sheraton Saigon cho biết những ngày này, công suất phòng của khách sạn bình quân đạt 80%, có ngày lên đến 90%. Kết quả này vượt dự đoán hồi đầu tháng của khách sạn.

 

Tuy nhiên, theo các công ty, vẫn chưa thấy một cơ sở nào thật sự chắc chắn, hứa hẹn sẽ tạo ra hiệu quả trong việc thu hút du khách của ngành du lịch Việt Nam. Trong buổi làm việc giữa đoàn lữ hành Pháp với các công ty du lịch TPHCM gần đây, một lần nữa, các đối tác Pháp sau khi nhận xét rằng "tiềm năng du lịch biển của Việt Nam và những di sản văn hóa thế giới tại đây quả thật có sức hấp dẫn" đã tiếp tục than phiền: "Chúng tôi vẫn quá thiếu thông tin từ  Việt Nam".

 

Có cảm giác như ngành du lịch đang xem việc bỏ visa cho du khách quốc tế là một giải pháp quan trọng trong việc thu hút khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều công ty lữ hành, biện pháp này quan trọng nhưng chưa đủ.

 

Điều đó đã được thể nghiệm qua việc bỏ visa cho khách Nhật. Ông Nguyễn Anh Tài - Giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist nói: "Bỏ visa là liều thuốc kích thích rất tốt, nhưng chưa đủ. Khách Nhật không tăng như dự đoán, thậm chí đang giảm".

 

Một trong những nguyên nhân đã được Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh du lịch Apex, ông Kitakawa Koichi chỉ ra: "Việt Nam đang cạnh tranh với các nước khác để thu hút du khách quốc tế nhưng giá vé máy bay quá cao. Giá vé máy bay từ Tokyo, Nhật Bản đến Việt Nam cao một trời một vực so với giá vé từ đó đến Bangkok, Thái Lan".

 

TPHCM vừa qua đã nỗ lực cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh cũng như thái độ phục vụ của nhân viên phục vụ nơi cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Chưa được bao lâu, thì nay Tổng giám đốc Công ty du lịch Bến Thành, ông Thân Hải Thanh báo động: "Nụ cười" mà thành phố vừa gắng công xây dựng đã không còn "cười" bao nhiêu và thực tế thủ tục tại đây vẫn chậm so với những sân bay quốc tế khác".

 

Sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn bị chê là còn nghèo nàn, kém hấp dẫn. Một trong số những hạn chế trong việc "khai thác" túi tiền du khách là TP.HCM quy định  các cơ sở kinh doanh giải trí du lịch phải đóng cửa sau nửa đêm trong khi thói quen của du khách là "overnight".

 

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng các ban ngành của TPHCM đang làm khó ngành du lịch khi đẻ ra những "giấy phép con" đối với các khách sạn. "Nghị định 39/2000/NĐ-CP cho các cơ sở lưu trú du lịch có "sao" (khách sạn từ 1 sao trở lên) được quyền kinh doanh các dịch vụ kèm theo như karaoke, vũ trường, bán rượu, thuốc lá... nhưng trên thực tế, tại TPHCM các cơ sở này muốn kinh doanh những lĩnh vực trên đều phải xin phép tại các sở Thương mại, Văn hóa - thông tin...  Hãy để cho doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, sao lại đẻ ra thêm giấy phép con?", ông Thọ đặt vấn đề.

 

Nhiều tờ báo nước ngoài gần đây đánh giá rất cao về tiềm năng du lịch Việt Nam như tờ báo điện tử STLtoday (Mỹ) ngày 26.4 đã giật tít: Vietnam: A hot spot for tourists (tạm dịch là Việt Nam: Điểm nóng du lịch). Nhưng để trở thành điểm nóng thật sự, du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

 

Theo Thanh niên