Để người dân hăng hái mở thẻ thanh toán quốc tế

(Dân trí) - Để việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế thành một thói quen cho người dân thật không dễ dàng. Khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng cá nhân có nhu cầu chính đáng hiện nay đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những giải pháp tình thế.

Làm thẻ không dễ

Người dân ít sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, trước hết vì làm thẻ quốc tế không phải dễ với đa số. Với thẻ ATM nội địa tiện lợi là thế mà triển khai, cho đến nay vẫn chưa thành phổ biến, chưa thành thói quen với đa số dân chúng, thì nói gì đến thẻ thanh toán quốc tế.
 
Thẻ thanh toán quốc tế có nhiều loại, với nhiều thể thức sử dụng khác nhau, cũng đặt người sử dụng trước lựa chọn không phải là dễ. Chẳng hạn, với thẻ tín dụng và thẻ trả trước, ở trong nước khó làm thẻ tín dụng, trong khi thẻ thanh toán quốc tế trả trước thì dễ dàng hơn. Thế nhưng khi ra nước ngoài, thẻ tín dụng rất tiện lợi, còn thẻ trả trước lại ít được chấp nhận hơn.
 
Để người dân hăng hái mở thẻ thanh toán quốc tế - 1
Thẻ ATM nội địa còn chưa phổ biến, thì nói gì đến thẻ thanh toán quốc tế?

Chưa kể, phí sử dụng thẻ là một quan ngại thực sự. Tổng Giám đốc DongABank Trần Phương Bình cho biết, hiện nay khách hàng dùng thẻ tín dụng mức phí phải trả là 2,5% đến 4%. Nếu cộng thêm với mức phí đó, giá đôla đã cao hơn tỷ giá chính thức nhiều, vượt cả giá ngoại tệ mặt chợ đen.

Chị Thanh Hà ở Trung Hòa, Hà Nội- một khách hàng dùng thẻ cho biết: “Khi dùng thẻ Visa, Master…để rút tiền mặt ở nước ngoài, tôi thường phải chịu hai loại phí và lãi suất. Phí rút tiền từ 4-7%, phí chuyển đổi ngoại tệ 3-4% (tính ra lên tới 7-11%); lãi suất thấp nhất 21% (khoảng 0,06%/ngày) được tính ngay tại thời điểm rút tiền. Trường hợp thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thì phí chuyển đổi ngoại tệ là 3-4%”.

Với thẻ ghi nợ Visa Debit, nếu chủ thẻ rút tiền mặt ở nước ngoài sẽ phải chịu phí rút tiền mặt và phí chuyển đổi ngoại tệ từ 7-11%, cao hơn rất nhiều so với việc mua USD trên thị trường tự do. Nếu dùng thẻ Visa Debit để thanh toán, chủ thẻ phải chịu phí chuyển đổi ngoại tệ từ 3-4%. Đó là chưa kể phải đóng phí thường niên 200.000-300.000 đồng, phí thay đổi mã số tài khoản...

Chính vì vậy, nhiều lần đi công tác nước ngoài, chị Hà đã phải đến ngân hàng đăng ký mua số ngoại tệ tương đương 7.000 USD theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bị ngân hàng từ chối do không đáp ứng đủ ngoại tệ, chị Hà lại phải ra chợ đen. “Nếu là khách quen thì còn có thể gọi điện, số lượng mua cũng phải vài nghìn đô, người của tiệm vàng sẽ mang ngoại tệ đến tận nhà”, chị Hà nói thêm.

Chỉ chừng ấy khó khăn đã thấy vì sao người dân chưa hăng hái làm thẻ. Và việc xóa bỏ thói quen dùng ngoại tệ mặt, cũng như xóa thị trường ngoại tệ tự do còn lắm gian nan.

Giải pháp nào?

Chính sách miễn phí phát hành, giảm phí thanh toán hoặc lãi suất…để khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng quốc tế là một giải pháp cần được tính đến.

Hiện mới có rất ít ngân hàng công bố hạn mức bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân có nhu cầu chính đáng. Hai ngân hàng Eximbank và DongABank đang vừa thực hiện bán đủ ngoại tệ theo hạn mức cho khách hàng có nhu cầu, vừa tích cực tuyên truyền hướng dẫn khách hàng về cách thức làm và sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, tùy vào điều kiện cụ thể của người sử dụng. Một số ngân hàng như VPBank, VIB, HSBC …mới đây cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến mãi khách hàng mở thẻ thanh toán quốc tế.

Để khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ, đặc biệt là thẻ thanh toán quốc tế, các ngân hàng thương mại đã lần lượt giảm phí chuyển đổi ngoại tệ khi thanh toán. Chẳng hạn, tại Techcombank, từ ngày 18/3, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ của thẻ Visa phát hành bởi Techcombank với mức phí 4,5% giá trị giao dịch (bao gồm VAT). Trước đó, ngân hàng An Bình (ABBank) cũng đã thay đổi phí “chuyển đổi ngoại tệ” của thẻ Visa phát hành bởi ABBank, bao gồm cả hạng chuẩn (classic) và hạng vàng (gold) với mức phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ là 4% trên tổng số tiền giao dịch (đã bao gồm VAT). Còn Eximbank với mức phí chuyển đổi tiền tệ thấp nhất là 2,5% dành cho các sản phẩm thẻ quốc tế như Eximbank Visa Debit, Eximbank Master Card.

Ngoài ra, các ngân hàng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập về tiện lợi của thẻ thanh toán quốc tế. Việc này có thể phải thực hiện bằng một đề án mang tầm chỉ đạo cấp Nhà nước, đi liền với lộ trình xóa “đôla hóa”, mới có thể giải quyết căn bản được.

Kim Chi