1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Để hạ nhiệt giá dầu, Mỹ sẽ dỡ lệnh cấm vận đối với dầu thô Venezuela?

Nhật Linh

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng cùng với giá năng lượng tăng vọt đang khiến Mỹ và các nước Tây Âu cấp tập tìm nguồn thay thế. Và Venezuela có thể là một nguồn cung cấp tiềm năng.

Giá năng lượng đã tăng vọt trên toàn cầu kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Đáng nói, điều này diễn ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn khi nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch và đang đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao. Trong khi đó, nguồn cung năng lượng giảm rõ rệt khiến cho giá dầu Brent tăng vọt 42% so với đầu năm và hiện giao dịch ở mức trên 93 USD/thùng. Khí đốt tự nhiên cũng tăng 39% lên mức 5,2 USD/MMBtu.

Nguồn cung eo hẹp khiến giá cả tăng cao hơn và những tác động do lạm phát cao đang đe dọa đến đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Do đó, nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và các nước Tây Âu đang cấp tập tìm kiếm thêm nguồn cung khí đốt và dầu mỏ. Thậm chí họ còn để mắt đến cả Venezuela, nhà cung cấp dầu lớn nhất châu Mỹ - Latin, vốn đang bị Mỹ cấm vận.

Để hạ nhiệt giá dầu, Mỹ sẽ dỡ lệnh cấm vận đối với dầu thô Venezuela? - 1

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến sản lượng dầu mỏ Venezuela sụt mạnh (Ảnh: Energy Intel)

Venezuela - thành viên sáng lập của OPEC - có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, ước tính lên đến 303,5 tỷ thùng. Quốc gia này cũng có trữ lượng khí đốt lên đến 196.000 tỷ ft3.

Tuy nhiên, chìa khóa để tiếp cận nguồn năng lượng hydrocarbon của Venezuela là Washington phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến sản lượng dầu mỏ Venezuela sụt mạnh. Nếu như trước lệnh trừng phạt, Venezuela bơm trung bình hơn 1,5 triệu thùng/ngày thì sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, sản lượng khai thác dầu của nước này xuống dưới 1 triệu thùng/ngày. Đặc biệt, trong năm 2020 khi đại dịch bùng phát, giá dầu về âm, Venezuela chỉ bơm trung bình 512.000 thùng/ngày, tương đương 1/7 sản lượng khai thác cao nhất của nước này là 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 1998.

Sự phá hủy của ngành công nghiệp dầu mỏ - ngành kinh tế xương của Venezuela đã khiến nền kinh tế nước này sụp đổ. Dữ liệu của IMF cho thấy, nền kinh tế Venezuela đã giảm 28% trong năm 2019 và giảm thêm 30% trong năm 2020 khi giá dầu suy yếu hơn do đại dịch. Đời sống của người dân Venezuela bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 91% hộ gia đình ở Venezuela sống trong nghèo đói và 68% rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Vừa thoát khỏi giai đoạn siêu lạm phát kinh hoàng không bao lâu, giá cả lại một lần nữa tăng lên. Theo Reuters, lạm phát gần đây ở Venezuela đã tăng lên mức 114% so với cùng kỳ hàng năm, cao nhất ở châu Mỹ - Latin, khiến cuộc sống của người dân Venezuela ngày càng khốn đốn, nguy cơ mất ổn định nền kinh tế gia tăng. Tình trạng thiếu hụt xăng, dầu diesel và thậm chí khí đốt ngày càng trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela đã chạm đáy. Mặc dù có nhiều ước tính có sự khác nhau về nền kinh tế này song mọi người đều tin rằng GDP của quốc gia dầu mỏ này đã tăng khoảng 0,5-4% trong năm 2021, tăng đáng kể so với mức giảm 30% trong năm trước đó. Điều đó chứng tỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã không thành công. Thực tế, lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ khiến chính phủ ông Maduro thắt chặt hơn mối quan hệ với các nước như Nga, Trung Quốc và Iran.

Mặc dù ý định loại bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Venezuela của ông Biden vẫn vấp nhiều sự phản đối, song những diễn biến gần đây cho thấy đây đang là yêu cầu cấp bách. Có dấu hiệu cho thấy Washington đang cân nhắc cho phép tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron bắt đầu sản xuất trở lại ở nước này.

Để xem xét giảm bớt các lệnh trừng phạt, chính quyền ông Biden yêu cầu ông Maduro phải tương tác lại với phe đối lập ở Venezuela sau khi đình chỉ các cuộc đàm phán ở Mexico vào năm ngoái. Washington cũng yêu cầu Tổng thống Venezuela cam kết cho phép cuộc bầu cử tổng thống nước này, dự kiến vào năm 2024, diễn ra tự do và công bằng.

Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy ông Maduro sẵn sàng thực hiện các biện pháp đó.

Do đó, mọi nỗ lực điều chỉnh các biện pháp trừng phạt Venezuela của chính quyền ông Biden nhằm cho phép các công ty năng lượng nước ngoài khai thác ở quốc gia này sẽ không thu được kết quả như mong muốn. Điều này khiến dầu thô Venezuela chưa thể quay trở lại thị trường trong một thời gian nữa.

Theo Oil Price

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm