1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dầu mỏ, Mỹ hay Nga: Saudi Arabia thực sự đứng về phía ai?

Nhật Linh

(Dân trí) - Sau quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng. Phe chỉ trích cho rằng Ả rập đang ủng hộ Nga và cố tình phớt lờ Mỹ.

OPEC+, gồm 22 thành viên, trong đó có Saudi Arabia, Irag và Nga, vừa quyết định cắt giảm lượng khai thác dầu từ tháng 11 nhằm chặn đà giảm của giá dầu. Quyết định này đồng nghĩa sản lượng dầu của các thành viên OPEC+ sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% sản lượng toàn cầu, kể từ tháng 11.

Phản ứng về động thái trên, Nhà Trắng cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là "đáng thất vọng".

Tổng thống Mỹ Joe Biden còn cho rằng, quyết định cho thấy mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh truyền thống như Saudi Arabia đang "có vấn đề".

Dầu mỏ, Mỹ hay Nga: Saudi Arabia thực sự đứng về phía ai? - 1

Nhà Trắng cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là "đáng thất vọng" (Ảnh: Inllustration).

Trong nội dung thảo luận gửi Bộ Tài chính, Nhà Trắng mô tả quyết định của OPEC+ là một "thảm họa toàn diện". Còn Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thì cho rằng: "Rõ ràng OPEC+ đang liên kết với Nga".

Mỹ cho rằng quyết định này giống như một sự phản bội đối với Mỹ. Bởi hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Biden đã có chuyến công du đến Saudi Arabia để vận động OPEC tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu. Điều này rất quan trọng đối với Đảng Dân chủ của ông Biden khi cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào đầu tháng 11.

Tuy nhiên, thông báo của OPEC+ lại hoàn toàn ngược lại. Giới phân tích đặt câu hỏi, liệu quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ có ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ hay không?

Điều duy nhất mà Mỹ có thể nhìn nhận ở quyết định này là sự phớt lờ của Saudi Arabia. Đây cũng có thể coi là sự ủng hộ ngầm đối với Nga của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác.

Bởi quyết định này có thể làm giảm những tác động của lệnh cấm vận dầu mỏ Nga mà Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất hồi đầu tháng 6. Lệnh cấm vận dầu Nga của EU nhằm cắt giảm nguồn thu của Nga, từ đó làm cạn kiệt nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của nước này. Nhưng quyết định của OPEC+ sẽ làm giá dầu tăng trở lại, đồng nghĩa Nga sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán dầu, ngay cả khi họ không bán được nhiều.

"Quyết định đó sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Nga sẽ kiếm được nhiều doanh thu và lợi nhuận hơn từ việc bán dầu", Bila Saab, giám đốc sáng lập Chương trình Quốc phòng và An ninh tại Viện Trung Đông, khẳng định.

Trong khi đó, Saudi Arabia nói rằng quyết định của OPEC+ hoàn toàn là vì kinh tế, chứ không phải vì động cơ chính trị.

"Dầu mỏ không phải là vũ khí. Chúng tôi xem dầu như một loại hàng hóa mà trong đó chúng tôi chiếm phần rất lớn", Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir nói với Fox News.

Ông Saab của Viện Trung Đông cũng cho rằng, Saudi Arabia đang theo đuổi lợi ích kinh tế. Để đạt được nhiều kế hoạch tham vọng cũng như duy trì sự ổn định chính trị, Saudi Arabia buộc phải phụ thuộc vào dầu mỏ. Mà giá dầu cao sẽ giúp ngân sách quốc gia dồi dào hơn.

Theo DW

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm