1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong quá trình chuyển đổi năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng mới, xanh và sạch tại Việt Nam, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghệ năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng.

Tiềm năng công nghệ năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Theo báo cáo nghiên cứu "Đồng lợi ích của chuyển dịch năng lượng trong phát triển công nghiệp Việt Nam", thực hiện bởi dự án "Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á" (CASE) của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ, tổng tiềm năng thị trường của 3 công đoạn phát triển dự án, sản xuất thiết bị và lắp đặt, xây dựng nhà máy của các dự án điện gió và điện mặt trời giai đoạn 2025-2050 ước đạt gần 160 tỷ USD, chiếm 1,02% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó điện gió ngoài khơi chiếm tỷ trọng lớn nhất với 51,8%, theo sau là điện gió trên bờ chiếm 24,3%, phần còn lại là điện mặt trời với tỷ trọng 24%.

GIZ cho hay, dù Việt Nam là thị trường sôi động bậc nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển NLTT, nhưng việc phát triển NLTT cũng đang gặp không ít thách thức. Tổ chức này nhận định Việt Nam không chỉ hạn chế về năng lực đánh giá, phát triển dự án (nhất là dự án điện gió ngoài khơi), mà còn về trình độ sản xuất và công nghệ.

Theo thống kê của GIZ, gần 90% dự án NLTT nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị còn hạn chế, thiếu chính sách và cơ chế hỗ trợ giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp để họ có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo - 1
Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2, Thừa Thiên Huế với chi phí 39,85 triệu USD (Ảnh: GIZ).

Nhận định về vấn đề này, bà Vũ Chi Mai - Giám đốc dự án CASE - cho rằng, trong chiến lược dài hạn, để thúc đẩy các công nghệ chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần có một số công nghệ mới, giúp mang lại nhiều cơ hội về nội địa hóa các chuỗi giá trị cũng như các lợi ích về kinh tế - xã hội đi kèm.

Theo đó, Việt Nam có thể xây dựng các chiến lược ngành và chiến lược triển khai đặc biệt cho: công nghệ NLTT mới (như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời), công nghệ lưu trữ (bao gồm pin lưu trữ và thủy điện tích năng), công nghệ hydro…

Theo bà Mai, khả năng nội địa hóa của công nghệ điện gió, điện mặt trời phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chính sách của nhà nước, năng lực cạnh tranh và định hướng phát triển của các doanh nghiệp nội địa, mức độ triển khai của Quy hoạch điện 8.

Để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo - 2
Các diễn giả tham gia tọa đàm về tiềm năng nội địa hóa công nghệ năng lượng tái tạo (Ảnh: GIZ).

Cần một lộ trình và chính sách đồng bộ

Bài học về cách mà Indonesia nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng của các nhà sản xuất tấm quang năng thông qua nội địa hóa chuỗi giá trị được coi là một ví dụ hữu ích.

Theo ông Fabby Tumiwa - Giám đốc điều hành Viện Cải cách dịch vụ thiết yếu Indonesia - việc thúc đẩy nội địa hóa chuỗi giá trị điện mặt trời giúp Indonesia có thể chủ động cung cấp các tấm quang năng, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu, cũng như tăng khả năng chống chịu trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ông Tumiwa cũng chỉ ra rằng yêu cầu nội địa hóa (LCR) của Indonesia gặp phải không ít ý kiến phản đối và việc cân đối giữa hai quan điểm ủng hộ, phản đối đó đã đòi hỏi các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia, bao gồm cả ngành công nghiệp sản xuất tấm quang năng trong nước, trong khi Chính phủ cũng cần hỗ trợ sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện và đạt mục tiêu năng lượng tái tạo theo chính sách năng lượng quốc gia.

Khuyến khích hợp tác và kết nối nguồn lực nhằm phát triển NLTT

Để góp phần tăng cường nội địa hóa chuỗi cung ứng của ngành NLTT Việt Nam, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng lần thứ 6 với chủ đề "Chính sách, giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp dịch vụ trong ngành điện mặt trời và điện gió cho doanh nghiệp Việt Nam".

Diễn đàn hướng tới mục tiêu tập hợp ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về công nghệ năng lượng tái tạo, nhằm đưa ra các giải pháp, đề xuất cơ chế chính sách cho vấn đề này. Đây cũng là cơ hội để kết nối các nguồn lực nhằm thiết thực góp phần thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa công nghệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo - 3
Ông Simon Kreye, Phó đại sứ CHLB Đức, phát biểu khai mạc diễn đàn "Công nghệ và năng lượng lần thứ 6" (Ảnh: GIZ).

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Đại sứ CHLB Đức, ông Simon Kreye, khẳng định: "Chuyển dịch năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ hợp tác Đức - Việt. Chúng tôi tự hào đã và đang đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình phát triển điện gió và điện mặt trời.

Những vấn đề chúng ta đề cập đến trong diễn đàn ngày hôm nay sẽ là cơ hội để phát triển năng lượng tái tạo và giúp tạo ra nhiều việc làm mới. Tôi tin rằng, diễn đàn lần này giúp Việt Nam gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong phát triển công nghệ năng lượng".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm