Đế chế cà phê Trung Nguyên ra sao trong vòng xoáy kiện tụng của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ?

(Dân trí) - Rất nhiều vấn đề của Trung Nguyên đã được mang ra “mổ xẻ” từ mâu thuẫn gia đình của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, có một vấn đề khá thú vị ít được đề cập đến đó là tình hình hoạt động của Trung Nguyên.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong một sự kiện trong quá khứ.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong một sự kiện trong quá khứ.

Trái ngược với hình ảnh dày đặc trước truyền thông trước kia, mấy năm trở lại đây, ông “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ đột nhiên trở lên im ắng, người ta không còn thấy ông xuất hiện tại bất cứ sự kiện nào. Đặc biệt kể từ khi nổ ra vụ ly hôn đình đám, ông Đặng Lê Nguyên Vũ gần như hoàn toàn "biến mất" trong khi vợ ông - bà Lê Hoàng Diệp Thảo không ít lần xuất hiện trên báo chí với nhiều thông tin "hậu trường".

Cũng vì vụ ly hôn nghìn tỷ nói trên nên dù không xuất hiện nhưng người ta vẫn nhắc nhiều Đặng Lê Nguyên Vũ. Và vì đột ngột “biến mất” nên những thông tin về Đặng Lê Nguyên Vũ luôn khiến truyền thông dậy sóng.

Rất nhiều vấn đề của Trung Nguyên đã được mang ra “mổ xẻ” từ mâu thuẫn gia đình của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, có một vấn đề khá thú vị ít được đề cập đến đó là tình hình hoạt động của Trung Nguyên.

Trung Nguyên đang ra sao trong tâm bão?

Gần đây nhất, chia sẻ với truyền thông, bà Thảo kể, ở Trung Nguyên, ông Vũ là Chủ tịch HĐQT, có nhiệm vụ xây dựng và quảng bá thương hiệu, đối ngoại, tiếp xúc với truyền thông. Còn bà Thảo đảm nhận vai trò Phó Tổng Giám đốc thường trực.

Theo chia sẻ của bà Thảo, từ lúc thành lập đến năm 2014 thì hầu như bà Thảo điều hành toàn bộ mọi công việc bên trong của Trung Nguyên, được quyền tự quyết toàn bộ mọi việc, từ lập chiến lược, kế hoạch hành động, đến việc phát triển thị trường trong và ngoài nước, việc ký kết tất cả các hợp đồng … Nhưng một ngày, vua cà phê loại bà ra khỏi Trung Nguyên và nói bà không còn là người được lựa chọn, chỉ là quá khứ.

Trong bài phỏng vấn đang gây xôn xao dư luận này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, sau khi kết thúc 49 ngày thiện định và nhịn ăn tại trang trại M'drak (Đắk Lắk), ông Vũ có những biến đổi bất thường về sức khỏe. Đó là một nguyên nhân dẫn đến nhiều biến cố trong gia đình và nội bộ doanh nghiệp. Cũng từ thời điểm đó, ông Vũ rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và cả ở gia đình.

Vẫn như mọi khi, dù đang trong tâm bão dư luận, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn giữ thái độ im lặng, không đưa ra bất cứ thông tin gì. Duy chỉ một tờ báo dẫn lời ngắn gọn từ một nhân sự làm việc tại Trung Nguyên cho biết: "Công ty đang hoạt động tốt, kinh doanh hiệu quả thì lãnh đạo cao nhất phải bình thường (sức khỏe- PV)”.

Trên mạng xã hội cũng nổ ra nhiều cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều, trong số đó có người được cho là thân thiết với ông Đặng Lê Nguyên Vũ lên tiếng bảo vệ ông.

Bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, nguyên Chủ nhiệm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao viết trên trang cá nhân: “Trung Nguyên vẫn kinh doanh tốt, ông Vũ vẫn điều hành bình thường, doanh số vẫn tăng, bán trong siêu thị tốt, hơn 80 cửa hàng cà phê Trung Nguyên trên cả nước vẫn ổn, xuất khẩu Mỹ tốt, từ khi mở văn phòng đại diện ở Thượng Hải xuất khẩu tăng mạnh...”

Lý giải về nguyên nhân “vua cà phê” né tránh truyền thông, bà Hạnh cũng phần nào tiết lộ về tình hình Trung Nguyên trong thời gian qua. Bà dẫn lời người làm ở Tòa kể là mấy năm qua, Trung Nguyên đã (bị) lập “kỷ lục tư pháp” vì bị một nguyên đơn kiện tới 8 lần, đòi Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản, ngưng moi hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm kê chặt đề phòng ông Vũ tẩu tán tài sản khi ly hôn, tới 8 lần.

Trong bối cảnh Trung Nguyên “nội chiến”, bà Hạnh cũng cho biết, mấy năm nay, từ nhân viên, công nhân đến cán bộ quản lý các cấp tại Tập đoàn này đều bị ảnh hưởng bởi “câu chuyện ly hôn nhì nhằng này”, thậm chí cũng có cán bộ quản lý của Trung Nguyên từng có ý định dời đi. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, hiện tại “bao nhiêu người trồng cà phê, mấy ngàn nhân viên, công nhân của Trung Nguyên trên khắp cả nước đang làm việc kiếm sống bình thường, ổn định”.

Tương lai đi về đâu?

Lâu nay chúng ta vẫn chỉ biết Trung Nguyên là một trong ba doanh nghiệp đứng đầu thị trường cà phê hòa tan, cùng với Vinacafe Biên Hòa và thương hiệu Nescafe của tập đoàn Nestle.

Dù là một đế chế lớn trong ngành cà phê nhưng sự mâu thuẫn giữa 2 người sáng lập không khỏi khiến hoạt động của Trung Nguyên bị ảnh hưởng. Sau đơn kiện năm 2015, sản phẩm cà phê hòa tan G7 từng bị ngừng phân phối một thời gian với lý do bảo trì máy móc.

Trả lời trên báo chí, bà Thảo cho biết sau khi cuộc hôn nhân gặp sóng gió, công việc xuất khẩu của công ty phần nào xuống dốc. Trung Nguyên đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần. Điều đó đã buộc bà tạo ra King Coffee như một thương hiệu cao cấp.

Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, năm 2015, doanh thu thuần của Trung Nguyên Group là 3.846 tỷ đồng và năm 2016 là 3.813 tỷ đồng, giảm so với năm liền kề trước đó. Lợi nhuận lần lượt các năm 2015, 2016 đạt 809 tỷ đồng và 768 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại của Trung Nguyên như Trung Nguyên Coffee, Trung Nguyên hòa tan và Trung Nguyên franchise. Đơn vị sở hữu của Trung Nguyên Group là Đầu tư Trung Nguyên – một công ty do ông Vũ và bà Thảo nắm cổ phần.

Trước đó, trong năm 2014, công ty mẹ Trung Nguyên đạt trên 4.000 tỷ doanh thu và gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2014 là do các công ty con chủ chốt của Trung Nguyên như CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết chuyển hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận tích lũy được trong giai đoạn 2012-2014 về cho công ty mẹ.

Thực tế vào những năm trước năm 2013, lợi nhuận của Trung Nguyên rất khiêm tốn và tỷ lệ lợi nhuận gộp biên cũng chỉ ở mức 17-18% trong khi Vincafe Biên Hòa luôn đạt từ 21- 29%.

Đế chế cà phê 22 năm tuổi được đánh giá là vẫn làm ăn tốt hơn nhiều so với một tên tuổi khác trong lĩnh vực này là Vinacafe Biên Hòa (VCF). Doanh thu thuần hàng năm của Vinacafe Biên Hòa thấp hơn khoảng 20%, nhưng lợi nhuận chỉ bằng một nửa. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo nghiên cứu của một số tổ chức như Nielsen hay Euromonitor thì thị phần theo sản lượng cà phê hòa tan của Vinacafe luôn vượt trội so với Trung Nguyên.

Giới quan sát cho rằng, mặc dù kết quả kinh doanh của Trung Nguyên vẫn khả quan nhưng có thể thấy đà tăng trưởng về doanh thu đang có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây. Trong khi đó, thị trường cà phê cũng ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đối thủ trong ngành. Đơn cử như, Vinacafe Biên Hòa sau khi được Masan mua lại đang duy được đà tăng trưởng rất tốt.

Trong câu chuyện giữa vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ, bất kể ai đúng ai sai thì một doanh nghiệp với thương hiệu mạnh, lợi nhuận vài trăm tỷ mỗi năm mà lại bị suy yếu vì mâu thuẫn nội bộ sẽ luôn là điều rất đáng tiếc.

Phương Dung

Đế chế cà phê Trung Nguyên ra sao trong vòng xoáy kiện tụng của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ? - 2