Đẩy mạnh phát triển thương hiệu ngành hàng
(Dân trí) - Trước những hạn chế về việc sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị khi xuất khẩu, chương trình Thương hiệu quốc gia trong giai đoạn tới được định hướng sẽ tập trung Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng.
Đó là ý kiến của ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011 với chủ đề ”Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh và lợi thế so sánh. Tuy nhiên, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề như: năng lực tiếp thị địa phương còn hạn chế và những tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương riêng lẻ.
Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và năng lực phát triển và sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị đúng nghĩa, thậm chí vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề thương hiệu, dẫn đến việc thiếu chiến lược và đầu tư chiều sâu cho phát triển thương hiệu.
Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa, giảm khả năng cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng bổ sung thêm, hiện nước ta đang có được những ngành hàng chiếm vị trí tương đối cao trong tỉ trọng xuất khẩu của thế giới.
Ví dụ: một số mặt hàng nông sản, cây công nghiệp, chúng ta đang giữ vị trí thứ nhất, nhì, ba trên thế giới (hạt tiêu, hạt điều, cà phê robusta, gạo, cá tra, cá ba sa) và nhiều mặt hàng dệt may, da giày, các dây cáp điện, linh kiện máy tính, rô bốt... của chúng ta đang vươn lên tầm khu vực thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa có được một thương hiệu thực sự gắn với những ngành hàng đó.
Bởi vậy, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng là một nội dung quan trọng của Chương trình THQG trong giai đoạn tới.
Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và thông qua các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển thương hiệu cạnh tranh của ngành;
Hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, các mặt hàng mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng tiếp cận các nguồn tài trợ, dự án và chương trình hợp tác kỹ thuật của nước ngoài liên quan đến phát triển thương hiệu…
LH