1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Dầu xuống giá, rúp mất điểm: Putin lặng người

Người đàn ông quyền lực nhất thế giới 2014 Vladimir Putin - Tổng thống Nga - đang gặp vô vàn khó khăn khi giá dầu không ngừng xuống thấp, còn đồng rúp liên tục bị bán tháo và có thể sớm phải thả nổi.

Quyết định bất ngờ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Ngày 5/11, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã thông báo bán tối đa 350 triệu đô la Mỹ/ngày để hỗ trợ tỷ giá đồng rúp. Động thái thiết lập giới hạn trần được các tổ chức tài chính quốc tế xem là dấu hiệu Nga đã căng thẳng và hướng tới việc thả nổi tự do đồng rúp sớm hơn dự định.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nga trước đó liên tục phải tiêu hao dự trữ, có hôm lên tới 2,5 tỷ USD/ngày, để giảm sự mất giá của đồng rúp nhưng không mang lại kết quả nào. Nó khiến dự ngoại hối của đất nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới giảm hơn 70 tỷ USD trong năm 2014, xuống dưới 440 tỷ USD, mức thấp nhất 4 năm qua. Trong khi, đồng rúp liên tục rớt xuống các mức thấp mới so với đồng USD trong tất cả các ngày của tháng 10.

Trong phiên giao dịch ngày 10/11, đồng rúp đã tăng khoảng 3% sau khi CBR cho biết sẽ cho phép đồng rúp thả nổi tự do vào cuối năm 2014. Trong phiên giao dịch ngày 12/11, đồng rúp tăng mạnh nhất trong khối các thị trường mới nổi, tăng 1,5% lên mức 45,6495 rúp đổi 1 USD.

 

Dầu xuống giá, rúp mất điểm: Putin lặng người
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã thông báo bán tối đa 350 triệu đô la Mỹ/ngày để hỗ trợ tỷ giá đồng rúp.

Rõ ràng, các động thái và tuyên bố "buông lỏng" đồng rúp của Ngân hàng Trung ương Nga ngay lập tức có tác động tích cực. Đồng tiền này đã mất giá khoảng 30% tính từ đầu năm do nhiều quan ngại, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine, giá dầu giảm mạnh...

Quyết định giới hạn lượng ngoại tệ được phép bơm ra thị trường tiền tệ được xem giúp làm tăng độ linh hoạt của tỷ giá rúp trên thị trường. Nó cũng đồng nghĩa tỷ giá đồng rúp sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố thị trường, thay vì chịu áp lực đầu cơ lớn.

Đây là biện pháp tiếp theo và mang tính đột phá theo hướng thay đổi chính sách tiền tệ. Hồi cuối tháng 10, CBR đã nâng lãi suất lên 9,5% và liên tục bơm tiền để ngăn chặn đà giảm giá của rúp và kìm hãm lạm phát nhưng không đạt được mấy kết quả.

Các bước đi gần đây táo bạo, không giống như dự đoán của giới đầu tư và được xem là cách mà Nga đang muốn dập tắt "chiến lược đầu cơ" vào đồng tiền của một nền kinh tế đang đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như giá dầu tụt giảm này.

Theo nhiều tổ chức tài chính thế giới, quyết định giới hạn trần của CBR hướng đến việc thả nổi đồng rúp và giúp đồng tiền này chạm đáy nhanh hơn, thoát ra khỏi vòng xoáy của giới đầu cơ.

Về cơ bản, đồng rúp đang có những diến biến khá tích cực. Và Tổng thống Putin cũng cho rằng, Nga có đủ lực để chống chọi với thực trạng đồng rúp mất giá.

Còn nhiều "nguy hiểm chết người"

Tuy nhiên, trên thực tế, người đàn ông quyền lực nhất thế giới 2014 này có lẽ vẫn đang gặp vô vàn khó khăn khi mà giá dầu không ngừng xuống thấp.

Trả lời trên Bloomberg, Vadim Bit-Avragim từ Công ty quản lý quỹ Kapital Asset Management LLC ở Moscow cho rằng, giới đầu cơ đang nghỉ ngơi và quyết định của CBR đã chứng tỏ là một biện pháp hiệu quả.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga có đủ lực để chống chọi với thực trạng đồng rúp mất giá. Ông tin tưởng đồng rúp sẽ sớm ổn định và mời chào các nhà đầu tư châu Á đầu tư vào Nga nhằm giảm mức độ phụ thuộc của Nga vào thị trường châu Âu. Vị tổng thống này khẳng định, chính phủ Nga sẽ đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, thuế và các quy định khác.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là giá dầu vẫn đang giảm trong khi phương Tây chưa gỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Nga.

Kinh tế Nga vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn
Kinh tế Nga vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn

Giá dầu ngọt nhẹ đầu giờ chiều 13/11 tiếp tục giảm xuống ngưỡng 77 USD/thùng, trong khi đó dầu Brent rớt từ mức thấp nhất 4 năm xuống tiếp gần tới 80 USD/thùng khi mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không sẵn sàng giảm sản lượng khi mà nguồn cung dầu trên thế giới có dấu hiệu dư thừa.

Đây thực sự là một thông tin không vui đối với Nga bởi nền kinh tế đứng thứ 8 thế giới này có ngân sách phụ thuộc tới 50% vào dầu và khí đốt. Một số dự báo cho rằng, Nga chỉ có thể chống chịu được trong khoảng hai năm nữa nếu giá dầu trụ ở ngưỡng 80-90 USD/thùng. Giá dầu tụt giảm trong vài tháng qua là một cú sốc mạnh đối với chính phủ Nga bởi trong bản dự thảo ngân sách 2015-2017 mới đây, Nga giả định, giá dầu ở mức 100 USD/thùng với tăng trưởng GDP đạt 2,6% hàng năm.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ năm 2015-2017 công bố ngày 10/11, CBR dự báo nền kinh tế Nga sẽ không tăng trưởng trong năm 2015 vào chỉ tăng trưởng 0,1% vào năm 2016. Tỷ lệ lạm phát ở vào khoảng 6,2-6,4% trong năm 2015 và sẽ giảm xuống mức mục tiêu 4% vào năm 2017.

Dầu tiếp tục giảm giá trong khi các nước OPEC không có ý định cắt giảm nguồn cung dầu có thể khiến khó khăn càng chồng chất. Nguồn thu ngoại tệ của Nga ngày càng suy giảm trong khi dự trữ ngoại hối cũng hao hụt dần. Bên cạnh đó, Nga cũng bị chịu ảnh hưởng của làn sóng vốn chảy ra khỏi Nga được dự báo khoảng trên 200 tỷ USD trong năm nay và năm sau.

Ở chiều ngược lại, tờ TheMoscowTimes, cho rằng đồng rúp tăng mạnh trở lại trong bối cảnh giá dầu tiếp tục lao dốc là một tín hiệu tích cực và "đầu cơ vào đồng rúp là một trò chơi nguy hiểm. Tờ báo này cho rằng, CBR ngưng can thiệp thường xuyên nhưng sẽ đảm bảo thị trường tiền tệ nằm trong tầm kiểm soát và sẽ trừng phạt các nhà đầu cơ đánh cược vào sự giảm giá của đồng rúp.
 
Theo Văn Minh
VEF
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”