1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quảng Nam:

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mong "hốt bạc" từ đặc sản sâm Ngọc Linh

(Dân trí) - Các dự án liên quan đến trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Địa phương này muốn "hốt bạc" từ sâm Ngọc Linh và một số dược liệu khác như Ba Kích, đảng sâm, Giảo Cổ Lam...

Vừa qua, huyện miền núi Bắc Trà My đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và ra mắt câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo Bắc Trà My. Đây là lần đầu tiên, huyện miền núi này tổ chức xúc tiến mời gọi doanh nghiệp vào địa bàn còn nhiều khó khăn này để đầu tư.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - cho biết, thời gian qua, huyện đã nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư giai đoạn từ 2019-2020 và đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu. Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp được UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư với tổng vốn dự kiến khoảng 573 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư vào miền núi Quảng Nam

Huyện miền núi Bắc Trà My tổ chức xúc tiến đầu tư vào huyện vào ngày 24/10

Danh mục thu hút đầu tư vào huyện Bắc Trà My gồm chăn nuôi nông hộ, trồng rừng gỗ lớn, liên kết chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế Trà My, kinh tế vườn nhà, các dự án chăn nuôi tập trung, dự án nuôi cá lồng bè tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2…

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, hiện các huyện miền núi, vùng khó khăn của tỉnh có ít dự án của các doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Các huyện này chủ yếu là các dự án thủy điện, hầu hết huyện nào cũng có dự án thủy điện; ít hoặc không có các ngành khác như chế biến nông lâm sản, du lịch, thương mại dịch vụ quy mô lớn…

Tuy nhiên, tại một số huyện miền núi của tỉnh trong thời gian gần đây cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như dự án khu du lịch Hang Gợp tại huyện Đông Giang với số vốn trên 400 tỷ đồng, các dự án liên quan đến trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My có tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, các dự án về sản xuất gỗ công nghiệp... Đây là một vài điểm sáng về thu hút đầu tư ở miền núi Quảng Nam.

Thu hút đầu tư vào miền núi Quảng Nam

Phát triển vùng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng sâm tại huyện này

Trao đổi với Dân trí về một số kết quả thu hút đầu tư vào miền núi trong vài năm gần đây, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, về lâm nghiệp đã thu hút được 3 nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp, các nhà máy này đang triển khai hợp tác với người dân để cung cấp giống chất lượng cao và chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ bán cho các nhà máy băm dăm xuất khẩu.

Hiện diện tích trồng và khai thác rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC gần 3.000ha, diện tích trồng rừng gỗ lớn đang triển khai trên 12.000ha. Một số mô hình HTX lâm nghiệp đã được thành lập và hoạt động tốt, tiêu biểu là HTX Hiệp Thuận (huyện Hiệp Đức), 2 trung giống lâm nghiệp công nghệ cao cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về dược liệu, ông Thanh cho hay hiện có 9 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và một số dược liệu khác như Ba Kích, đảng sâm, Giảo Cổ Lam... với diện tích khoảng 400ha. Các doanh nghiệp này thực hiện việc thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng dược liệu.

Bên cạnh đó, các sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm miền núi cũng đã thu hút rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, tổ hợp tác tham gia với 11 sản phẩn được xếp 3 sao trở lên trong năm 2018 và dự kiến sẽ nâng lên gần 50 sản phẩm vào cuối năm nay.

Đối với ngành du lịch, hiện có 11 doanh nghiệp đang triển khai các dự án du lịch sinh thái, văn hóa trên địa bàn 9 huyện miền núi, trong đó có các dự án lớn làm động lực phát triển tập trung ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước.

Mô hình du lịch cộng đồng đang được Hiệp hội du lịch Quảng Nam triển khai rộng khắp ở những nơi có điều kiện và cuối năm nay khi HĐND tỉnh thông qua cơ chế khuyến khích, chắc chắn sẽ phát triển mạnh.

Về định hướng thu hút đầu tư vào miền núi, ông Thanh cho biết ưu tiên nhất là liên kết theo chuỗi trồng rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, kết hợp tổ chức chăn nuôi dưới tán rừng sản xuất, sau đó là trồng dược liệu theo chuỗi giá trị gắn kết giữa vùng nguyên liệu của người dân với nhà máy chế biến sâu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, liên kết khai thác du lịch sinh thái - văn hóa giữa các dự án lớn của doanh nghiệp với các dự án du lịch cộng đồng của người dân bản địa do các HTX, doanh nghiệp địa phương tổ chức.

Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư đến các huyện miền núi của Quảng Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, khó khăn hiện này là vấn đề giao thông từ đồng bằng lên miền núi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và đảm bảo an toàn cho du khách.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, nhận thức của đồng bào miền núi còn hạn chế trong chuyển đổi các hình thức sản xuất; trong khi đó chính quyền, đoàn thể địa phương chưa tích cực vận động và hỗ trợ tích cực cho thiết lập sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân; đất đai miền núi tuy nhiều nhưng độ dốc cao, bị chia cắt nhiều bởi sông suối nên khó hình thành vùng nguyên liệu tập trung…

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm