Đầu tư chứng khoán quốc tế: Lời mời gọi đầy rủi ro

Thanh Tâm

(Dân trí) - Không những không được pháp luật bảo vệ, theo giới chuyên gia, hình thức đầu tư chứng khoán quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí khiến người chơi mất trắng tiền.

Mời gọi đầu tư vào cổ phiếu Pfizer, Amgen

Khoảng 3 tháng gần đây, chị Hải Anh (Nhà Bè, TPHCM) thường xuyên nhận được các cuộc gọi tư vấn về đầu tư chứng khoán quốc tế và thường thì chị từ chối tiếp chuyện. Một lần tò mò, nghe thử, chị được một người xưng tên Yến, giới thiệu là nhân viên tư vấn của một công ty chuyên môi giới đầu tư chứng khoán phái sinh thế giới. Theo lời Yến, công ty này thuộc một tập đoàn quốc tế, được Anh cấp phép, có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Người này cho hay có thể giúp chị Hải Anh tiếp cận với cổ phiếu của các công ty lớn nhỏ trên thế giới, tập trung trên 2 sàn lớn của Mỹ là NYSE và NASDAQ bằng việc tạo tài khoản giao dịch trên nền tảng MT5. Có tài khoản, người chơi có thể chuyển tiền VND vào một tài khoản ngân hàng trung gian. VND được quy đổi sang USD và tiền được nộp vào tài khoản khách giao dịch trên MT5.

Công ty hỗ trợ tỷ lệ đòn bẩy lên đến 1:100, chẳng hạn với giá niêm yết của cổ phiếu Pfizer hiện là 50,42 USD/cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 5 USD là có thể mua được một cổ phiếu. Yến còn cho biết có hỗ trợ nghiệp vụ bán khống, tức là nhà đầu tư có thể "mượn" cổ phiếu của sàn tổng để bán ra ở thời điểm giá cao và mua trả lại ở thời điểm giá thấp.

"Người này nói với tôi rằng, ở Việt Nam chỉ có thể kiếm lợi nhuận khi cổ phiếu có xu hướng tăng giá, nhưng qua kênh này, tôi có thể kiếm lợi nhuận kể cả khi thị trường đang đi xuống. Cô cũng khuyên tôi nên mua cổ phiếu của các hãng tiêu dùng hoặc dược phẩm như Pfizer, do các doanh nghiệp này có doanh thu tốt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay", chị Hải Anh kể.

Đầu tư chứng khoán quốc tế: Lời mời gọi đầy rủi ro - 1

Thông tin giao dịch cổ phiếu Pfizer được các môi giới cập nhật hàng ngày (Ảnh: NVCC).

Anh Hồng Thái (quận 3, TPHCM) lại được mời mua cổ phiếu AMGN của Amgen - một trong những tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm lớn nhất thế giới tại Mỹ. Môi giới cho biết doanh nghiệp này sẽ trả cổ tức vào ngày 16/8 (một tuần sau cuộc gọi), tỷ lệ là 1,76 USD trên mỗi cổ phiếu. Thậm chí, môi giới còn cho biết sẽ cung cấp thông tin kịp thời để khách biết trước xu hướng cổ phiếu lên hay xuống và ra quyết định mua bán phù hợp. 

"Ngoài ra, họ còn giới thiệu tôi vào một nhóm chat cùng nhiều nhà đầu tư khác, trong đó hầu như ngày nào cũng có người khoe khoản lời mà họ kiếm được", anh Thái cho biết.

Trên diễn đàn về đầu tư ngoại hối, một nhà đầu tư nữ cho biết cô từng là nạn nhân của hình thức đầu tư chứng khoán quốc tế này. Nghe lời bạn tư vấn, cô rót 6.000 USD vào tài khoản và bị "cháy" chỉ sau một tuần. Sau đó, một người khác tự xưng là quản lý cấp cao hơn gọi đến cho biết đã sa thải nhân viên tư vấn kia và hứa sẽ giúp cô gỡ vốn trong vòng 10 ngày, nếu đồng ý rót thêm 5.000 USD để lập tài khoản mới. Nóng lòng lấy lại số tiền đã mất, cô này lại vay mượn thêm 5.000 USD để đầu tư và tiếp tục mất trắng sau đó 2 tuần.

Theo phản ánh của không ít người, các công ty môi giới này thường có chiêu "thả" cho người chơi lời một ít trong thời gian đầu, để lừa họ bơm thêm tiền vào tài khoản. Sau đó, người chơi càng đầu tư càng lỗ. Một số người muốn rút tiền thì các công ty tìm mọi cách giữ lại, thậm chí là dọa nạt và đe dọa khách hàng.

Chuyên gia cảnh báo: Bất hợp pháp và nhiều rủi ro

Ông Lê Tiến Đạt - Giám đốc và Luật sư Điều hành của Công ty Luật ADK & Co Việt Nam Lawyers - cho biết, thời gian gần đây ông liên tục có khách hàng nhờ tham vấn về đầu tư chứng khoán quốc tế. Lời khuyên của ông là người dân luôn là cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng loại hình đầu tư được mời chào, vì trong nhiều trường hợp loại hình đầu tư chưa có khung pháp lý bảo vệ.

Theo Khoản 1 Điều 52 của Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư cá nhân được phép thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân phải tuân thủ trình tự, thủ tục để được kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, mở tài khoản vốn và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Đầu tư chứng khoán quốc tế: Lời mời gọi đầy rủi ro - 2

Theo các chuyên gia, không dễ kiếm tiền từ đầu tư chứng khoán quốc tế (Ảnh minh họa).

"Nhiều trường hợp không xem xét cẩn trọng hình thức đầu tư và tuân thủ đầy đủ trình tự pháp lý đầy đủ nên đã phải đối mặt với rủi ro mất tiền rất cao. Các nhà đầu tư nên tham vấn thêm những người có chuyên môn như luật sư hay công ty chứng khoán chuyên nghiệp khi được giới thiệu hình thức đầu tư mới, tránh bị kéo theo những mức lợi nhuận khủng mà các đơn vị môi giới vẽ ra", ông Đạt chia sẻ.

Trên góc độ tài chính, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết đầu tư chứng khoán quốc tế trên các nền tảng giao dịch MetaTrader 4, MT5, Trading Station… là một hình thức giao dịch chênh lệch tỷ giá (CFDs - Contract for difference) dựa trên sự biến động về giá các cổ phiếu được niêm yết trên các sàn chứng khoán thế giới.

Nhà đầu tư kiếm lời dựa trên sự thay đổi giá của các loại chứng khoán chứ thực chất không hề nắm giữ bất kỳ một cổ phiếu chứng khoán nào. Việc chi trả cổ tức cho nhà đầu tư, nếu có, chắc chắn không phải do các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết mà do chính các đơn vị môi giới chi ra.

Qua tìm hiểu từ những nhà đầu tư có tham gia kênh giao dịch này, ông Phương đánh giá có không ít công ty hoạt động theo mô hình đa cấp. Nghĩa là người đi trước mời gọi người đi sau và chừng mực nào đó sẽ được hưởng lợi nhuận do người đi sau "bơm" thêm tiền vào hệ thống. Bên cạnh rủi ro pháp lý, kênh đầu tư này chứa nhiều yếu tố có thể khiến nhà đầu tư mất tiền khi tham gia vào.

Đầu tiên, việc không am hiểu thông tin của một số nhà đầu tư sẽ đẩy họ vào rủi ro. Hình thức đầu tư này dựa trên biến động giá các cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế. Do đó, việc am hiểu về doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết, kiểm chứng lại thông tin đôi khi gặp khó, không phải ai cũng có khả năng. 

Thứ hai, giao dịch chủ yếu diễn ra qua các phần mềm do công ty trung gian cung cấp. Do đó, người đầu tư không kiểm soát được phía quản trị, quản lý các phần mềm trên, phát sinh rủi ro bên quản trị có thể can thiệp vào lệnh mua, bán gây bất lợi. Thực tế, không ít người than phiền rất khó để mua khi giá thấp và bán khi giá cao. 

Thứ ba, giao dịch được thực hiện bằng ngoại tệ. Chưa nói đến việc chuyển tiền từ trong nước sang các sàn quốc tế là vi phạm pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối, giao dịch lòng vòng từ chuyển tiền Việt sang một ngân hàng trung gian, rồi được quy đổi sang USD để chuyển sang một tài khoản ở nước ngoài tạo ra dư địa rất lớn cho những kẻ tham có thể dễ dàng dựa vào đó để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản.

"Các giao dịch về cố phiếu không chính thống như cổ phiếu quốc tế mang rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Đa phần những nhà đầu tư đã tham gia vào gần như chỉ có thiệt hại chứ khó mà kiếm được lợi nhuận", ông Phương kết luận.