Đấu thầu cao tốc Bắc – Nam: Đừng đặt nặng vấn đề giá thấp!

(Dân trí) - Tại dự án cao tốc Bắc Nam, GS. TSKH. Võ Đại Lược cho rằng chúng ta phải chú trọng đến chất lượng, công nghệ, còn giá thành thấp không phải là yếu tố hàng đầu.

Đấu thầu cao tốc Bắc – Nam: Đừng đặt nặng vấn đề giá thấp! - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo giá thấp thì nhà đầu tư Trung Quốc trúng hết.

Vòng sơ tuyển 8 dự án xây dựng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) của cao tốc Bắc Nam đã có 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư được nộp.

Theo Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải, trong số đó có tới 30 bộ hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc hoặc liên danh với doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án.

Tuy nhiên theo phản ánh, nhiều nhà đầu tư trong nước cho biết, tiêu chí thầu quá cao khiến họ khó tham gia, khả năng các gói thầu sẽ rơi vào nhà thầu nước ngoài.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, đường bộ cao tốc là trục xương sống quốc gia, cần lưu ý vấn đề an ninh, quốc phòng. 

Trao đổi với Dân trí về câu chuyện này, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nói:

Trong thông báo mời sơ tuyển, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); kinh nghiệm chiếm tỷ trọng 30% tổng điểm và phương pháp tổ chức triển khai dự án chiếm 10%.

Bộ đặt ra tiêu chí vốn chủ sở hữu để tham gia cao tốc Bắc - Nam phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu ít nhất 1.000 tỷ đồng cho dự án từ 5.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng nếu tiêu chí này thì doanh nghiệp Việt khó có cửa. Bởi đa số doanh nghiệp nội địa còn nhỏ. Trước đây số vốn chủ sở hữu tại các dự án BOT khá thấp, chỉ khoảng 11 – 12%, nay tăng lên như vậy là cao.

Chưa kể việc quy định nhà đầu tư tham gia đấu thầu là phải từng đầu tư một dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% đoạn cao tốc tham gia đấu thầu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước phải từng tham gia các dự án 4.000-5.000 tỷ đồng. Thực tế số nhà đầu tư trong nước đạt được tiêu chí này cùng không nhiều.

Trong khi đó, việc đặt nặng yếu tố kinh nghiệm với những dự án quy mô lớn là không cần thiết bởi thực tế hầu hết các dự án BOT đường bộ thời gian qua đều do doanh nghiệp Việt làm, nhiều dự án chất lượng rất tốt.

Tôi cũng băn khoăn tại sao đối với dự án như thế này, tại sao chúng ta không đấu thầu trong nước, tạo điều kiện để chọn được doanh nghiệp Việt có năng lực làm, đâu cần đấu thầu quốc tế rộng rãi ở tất cả các dự án thành phần.

Vì sao không xem xét kỹ, dự án nào cần hút vốn nước ngoài, dự án nào cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt làm? Nếu đường sắt cao tốc thì còn bảo chúng ta chưa theo kịp công nghệ, cần sự đầu tư nước ngoài đã đành.

Bên cạnh đó tại sao không chia nhỏ nữa các dự án ra, mỗi dự án chỉ khoảng 50km thôi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa có thể tham gia?

Tôi không kỳ thị nhà đầu tư nào, những bất kỳ quốc gia nào cũng vậy thôi, họ đều có chiến lược nhằm ưu tiên cho sự phát triển doanh nghiệp nội địa.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt làm để tạo thêm công ăn việt làm, cũng chính là để phát triển kinh tế của đất nước lên.

Sau khi thông tin doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo về số lượng trong vòng sơ tuyển, nhiều người không khỏi lo ngại với giả thiết nhà đầu tư Trung Quốc thắng thầu thì dự án đường cao tốc Bắc – Nam - trục xương sống quốc gia - sẽ lặp lại kịch bản của nhiều “đại” dự án như đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ông nghĩ sao về điều này?

Cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường huyết mạch quốc gia nên được dư luận quan tâm. Ở Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều dự án có doanh nghiệp Trung Quốc xảy ra việc đội vốn, chậm tiến độ và nhiều vấn đề xã hội khác nên khiến dư luận quan ngại là cũng có cơ sở.

Tuy nhiên, khi chúng ta đã chọn lựa phương thức đấu thầu quốc tế thì không được phép có sự phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài nữa.

Vậy phải làm như thế nào để có thể chọn được nhà đầu tư tốt, đủ điều kiện làm dự án thưa ông?

Không còn cách nào khác phải công khai minh bạch, chống tất cả các vấn đề thông thầu, quân xanh quân đỏ. Tuyệt đối nói không với chuyện “phong bao, phong bì”.

Toàn bộ khâu đấu thầu cũng cần phải được giám sát chặt. Theo tôi, nên có các cơ quan khác có tính nhân dân tham gia giám sát như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc hay Uỷ ban kinh tế Quốc hội…

Quy trình đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là sơ tuyển năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư đủ năng lực sẽ được bước tiếp vào giai đoạn 2 - đấu thầu, theo đó họ sẽ đưa ra mức giá và phương thức thi công làm tiêu chí tranh thầu.

Lưu ý một điều, trước đây Trung quốc thường thắng thầu về giá (họ thường bỏ giá thấp) nhưng sau đó lại nâng dự toán lên bằng nhiều cách. Với dự án này, chúng ta rút kinh nghiệm, phải chú trọng hàng đầu đến chất lượng, công nghệ, giá thành nên xếp sau thôi.

Vậy chất lượng như thế nào là tốt? Cái này cần phải xem họ làm công nghệ gì, cách thức tổ chức xây dựng, triển khai dự án ra sao. Nếu công nghệ mà lạc hậu là “vứt” rồi.

Ngoài ra, tại các dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam cần lưu ý trường hợp những dự án ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng hay có vị trí nhạy cảm thì cần cân nhắc kỹ, tránh giao cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bản thân ông đánh giá như thế nào về hiệu quả đầu tư cao tốc Bắc – Nam?

Tôi đã nhiều lần lên tiếng cho rằng, thời điểm này nên đầu tư đường sắt tốc độ cao nối các trọng điểm kinh tế với nhau trước. Như vậy sẽ đem lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, đường bộ cao tốc Bắc – Nam đã được quyết rồi, chúng ta không bàn chuyện có cần thiết hay không nữa.

Nhưng đây mới chỉ là khâu sơ tuyển, việc có chọn được nhà đầu tư phù hợp không, dự án có thành công không còn là câu chuyện dài.

Bản thân doanh nghiệp có lợi, có hiệu quả họ mới đầu tư. Khâu thương thảo sau này nếu không đáp ứng, thoả mãn được tiêu chí tất cả cùng có lợi thì rất khó đi đến thành công.

BOT là cách thức anh làm rồi tự thu phí, nếu thu quá cao thì người ta sẽ không đi, thu thấp thì bài toán tài chính sẽ ra sao. Cân bằng được lợi ích 3 bên: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong dự án này cũng không phải dễ. Để làm tốt được, đòi hỏi vai trò rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh  (Thực hiện)