1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đầu tàu kinh tế TPHCM "vượt bão" ra sao sau 6 tháng?

Đại Việt

(Dân trí) - Một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của TPHCM bị ngưng trệ. Tình hình xuất khẩu giảm mạnh, nhập khẩu tăng cao và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu số một của thành phố.

Những con số biết nói

Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhu cầu mua sắm, du lịch, học tập, giải trí của người dân TPHCM có dấu hiệu phục hồi trong quý I. Tuy nhiên, sự phục hồi chậm dần khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 5.

Đầu tàu kinh tế TPHCM  vượt bão ra sao sau 6 tháng? - 1

Kinh tế TPHCM đã "oằn mình" chống chọi với dịch bệnh trong những tháng đầu năm (Ảnh: Hải Long).

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước đạt 680.328 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông lâm thủy sản giảm 0,48%; công nghiệp và xây dựng tăng 3,58%; dịch vụ tăng 5,86%.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 198.566 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 29.710 tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành lưu trú, ăn uống tăng 18,9%, lữ hành giảm 40,6% do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng hơn 2% so với cùng kỳ.

"Doanh nghiệp tuy phải tạm ngưng hoạt động do hạn chế việc giao thương, tiêu thụ hàng hóa, nhưng đã có tâm thế chủ động, bình tĩnh, cơ cấu, tổ chức, thay đổi cách thức kinh doanh cho phù hợp", Cục Thống kê TPHCM đánh giá.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp TPHCM xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) trong 6 tháng đạt hơn 20,3 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước và tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt gần 13,4 tỷ USD, giảm 6,8% so cùng kỳ. Đây là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 68,4%.

Trong đó, máy tính - sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt hơn 7,7 tỷ USD, giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dệt may có giá trị xuất khẩu đạt gần 1,65 tỷ USD, giảm 23,5%. Giày dép có giá trị xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD, giảm 2,3%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 8,6%.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu số một

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp TPHCM với kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đạt gần 4,6 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,6% tỷ trọng xuất khẩu.

Đầu tàu kinh tế TPHCM  vượt bão ra sao sau 6 tháng? - 2

Xuất khẩu hàng hóa của thành phố giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm (Ảnh: T.L)

Thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,24 tỷ USD, tăng 0,3% so cùng kỳ, chiếm 16% tỷ trọng xuất khẩu.

Xếp thứ 3 là thị trường Hồng Kông đạt hơn 1,97 tỷ USD, tăng 63% so cùng kỳ, chiếm 9,7% tỷ trọng xuất khẩu.

Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) lần lượt là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thứ 5 của Việt Nam trong 6 tháng qua.

Máy móc - thiết bị được nhập khẩu nhiều nhất

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt hơn 30,118 tỷ USD, tăng 26% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt hơn 508 triệu USD, giảm 4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước gần 11,87 tỷ USD, tăng 34%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 12,2%.

Cơ cấu nhóm hàng hóa nhập khẩu qua cảng tại thành phố trong 6 tháng đầu năm gồm: nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt hơn 8,65 tỷ USD, tăng 26,9% so cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 34,8%.

Nhóm hàng máy móc - thiết bị - phụ tùng đạt hơn 12,67 tỷ USD, tăng 15,2%, chiếm tỷ trọng 50,9%. Nhóm hàng tiêu dùng đạt 936,3 triệu USD, tăng 16,5%, chiếm tỷ trọng 3,8%. Nhóm hàng hóa khác đạt 2,6 tỷ USD, tăng 38,1% và chiếm 10,5% tỷ trọng nhập khẩu.

Công trình trọng điểm "vướng" thủ tục pháp lý

Cũng theo Cục Thống kê TPHCM, Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai lắp dây cáp điện trên toàn tuyến, khẩn trương hoàn thiện nhà ga Ba Son.

Dự án này cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ga Bến Thành. Toàn tuyến đã đạt 87% khối lượng xây lắp, dự kiến đưa vào khai thác, vận hành kỹ thuật vào cuối năm nay và sớm đưa vào khai thác thương mại năm 2022.

Đầu tàu kinh tế TPHCM  vượt bão ra sao sau 6 tháng? - 3

Nhiều dự án trọng điểm bị ngưng trệ (Ảnh: Hải Long).

Đối với Dự án tuyến đường sắt Metro số 2, các quận đang tháo dỡ, bàn giao mặt bằng, hiện đang di dời hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến. Dự kiến, tuyến Metro số 2 sẽ khởi công vào giữa năm 2022.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 vẫn tạm ngưng chưa thi công do vướng thủ tục pháp lý và vướng giải phóng mặt bằng phía quận 1.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã được thi công xây lắp hơn 91% nhưng đang tạm ngưng thi công do vướng các thủ tục pháp lý.