1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đầu năm, nhà băng lớn bé đua nhau báo lãi

(Dân trí) - Nhiều nhà băng đã vượt qua những khó khăn của năm 2014 đầy ngoạn mục nên nhanh chân báo lãi ngay từ tuần đầu tiên của năm 2015. Cùng với đó, tổng tài sản của các nhà băng cũng được bảo toàn và tăng lên.

Ngay tuần đầu tiên của năm 2015, nhiều ngân hàng lớn, bé đã chính thức thông báo về tình hình kết quả kinh doanh năm 2014 với những con số khá ấn tượng.

Kinh doanh có lãi, nhiều nhà băng công bố sớm.
Kinh doanh có lãi, nhiều nhà băng công bố sớm.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Nhanh chân nhất có lẽ là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014. Đáng chú ý, theo Agribank, lãi hoạt động kinh doanh vốn, đầu tư giấy tờ có giá tăng 40% so với năm 2013.

Đến 31/12/2014, tổng tài sản có của Agribank đạt 762.869 tỷ đồng, tăng 10,08% so với năm 2013. Tổng nguồn vốn đạt 690.191 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2013, trong đó, tiền gửi dân cư tăng trưởng tốt, chiếm tỷ trọng 78,4% vốn huy động.. Tổng dư nợ cho vay (bao gồm ngoại tệ quy đổi) đạt 605.324 tỷ đồng, tăng 8,8%, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn duy trì mức độ tăng trưởng, đạt 411.295 tỷ đồng, tăng 32.310 tỷ đồng (+8,5%) so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 74,3%/tổng dư nợ.

Cũng đến 31/12/2014, tổng thu dịch vụ của Agribank đạt 2.877 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2013, đạt 104% kế hoạch 2014. Với kết quả này, nhiều khả năng Agribank vẫn giữ ngôi đầu bảng trong hệ thống về tổng tài sản trong năm qua.

Sau Agribank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo về tình hình hoạt động với lợi nhuận trước thuế đạt 6.065 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2013. Tại thời điểm cuối năm 2014, ngân hàng đạt tổng tài sản trên 655 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cuối năm 201. Dư nợ tín dụng đạt trên 461 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8%. Nguồn vốn huy động thị trường 1 đạt 502 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20%; thị trường 2 gồm vay trong nước, nước ngoài đạt trên 55 nghìn tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của BIDV (ROE) đạt 14,4%, trong khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,8%, EPS đạt 1.700 đồng/cổ phiếu.

Vietcombank chưa có công bố chính thức, nhưng theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS), lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ Vietcombank năm qua ước đạt 5.680 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch là 5.500 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước, các hoạt động kinh doanh chính vẫn giữ được đà tăng trưởng khá và nợ xấu được kiểm soát tốt.

Cho vay khách hàng đạt mức tăng 18% trong khi NIM đạt khoảng 2,35%. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm về mức 2,3% so với 2,7% của năm 2013. Ngân hàng tiếp tục bán 2.600 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2014.

Cùng với một số ông lớn bão lãi ngay từ đầu năm, một số ngân hàng nhỏ cũng nhập cuộc công bố kết quả. Kết thúc năm tài chính 2014, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt trên 51.500 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 50% so với đầu năm.

Lợi nhuận luỹ kế (sau khi trích đủ dự phòng tín dụng) của TPBank tốt hơn so với dự báo, đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, xử lý và thu hồi được nhiều khoản nợ cũ và không để phát sinh mới nên tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm chỉ ở mức 1,00%, thấp hơn rất nhiều so với mức 3% cho phép theo quy định. Các chỉ tiêu hoạt động khác của TPBank so với kế hoạch đều vượt như: Tổng huy động đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch. Số lượng khách hàng tăng trưởng gấp 2 lần so với 2013.

Theo ước tính, lợi nhuận trước thuế năm 2014 của ngân hàng Nam Á đạt 243 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với kế hoạch. Cũng trong năm 2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Nam Á Bank tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng…

Giới chuyên gia cho rằng, những con số lợi nhuận mà các ngân hàng công bố khá bất ngờ, phản ánh phần nào sự khởi sắc của nền kinh tế. Bức tranh khái quát về hoạt động của ngành ngân hàng đã có điểm sáng. Vì có lãi nên một số nhà băng đã thông báo sớm ngay từ những ngày đầu năm 2015, còn nhớ, năm trước phải đến giữa tháng 2, thị trường mới được đón nhận những số liệu kinh doanh của các nhà băng năm trước.

Cùng với lợi nhuận tăng trong năm 2014, tổng tài sản của các nhà băng cũng được bảo toàn và tăng lên. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đã lên tới 6.277.904 tỷ đồng (cập nhật đến hết 30/11/2014), tăng hơn 522.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 6,34%.

Đáng chú ý, tài sản của toàn hệ thống đã tăng đột biến trong tháng 11. Trong vòng 1 tháng từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11, tài sản của hệ thống đã tăng 103.281 tỷ đồng, gấp 2,5 lần mức tăng bình quân về tài sản của các tháng trước đó.

Trong mức tăng đạt được ở tháng 11, tài sản của nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước tăng xấp xỉ 37.000 tỷ lên 2.749.015 tỷ đồng còn tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng thêm hơn 40.700 tỷ lên 2.664.878 tỷ đồng. Vốn tự có của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 11 đạt hơn 499.000 tỷ đồng, tăng 32.155 tỷ đồng so với đầu năm.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm