Đầu năm, "điểm danh" doanh nghiệp chi bộn tiền... “mừng tuổi”!

(Dân trí) - Trong dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý năm nay, cổ đông của nhiều doanh nghiệp sẽ phấn khởi vì nhận thông tin “chia lợi nhuận” đúng lúc và quan trọng nhất đó là bằng “tiền mặt”.

Trong khi người lao động tại hầu hết doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đều hào hứng với thông tin thưởng Tết mỗi cuối năm thì trên thị trường chứng khoán, cổ đông và nhà đầu tư lại chờ đợi những thông tin “sốt dẻo” và hấp dẫn không kém, đó chính là lịch chia thưởng, chia cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết.

Khoản cổ tức này thông thường phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động trong năm, kế hoạch cổ tức đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) phê duyệt. Trong trường hợp kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, lãnh đạo doanh nghiệp có thể trình xin ĐHĐCĐ chia thêm cổ tức, nhưng cũng có những doanh nghiệp vì lý do nào đó, sẽ “khất” cổ tức, “nợ” cổ tức với cổ đông.

Trong dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 năm nay, cổ đông của nhiều doanh nghiệp sẽ phấn khởi vì nhận thông tin “chia lợi nhuận” đúng lúc và quan trọng nhất đó là bằng “tiền mặt”.

Đầu năm, điểm danh doanh nghiệp chi bộn tiền... “mừng tuổi”! - 1

Cổ tức bằng tiền mặt - "tiền tươi thóc thật" luôn khiến cổ đông yên tâm khi đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết (ảnh mang tính minh hoạ)

Tất nhiên, khi nhắc đến vấn đề này không thể không nhắc đến Công viên nước Đầm Sen - doanh nghiệp vốn có truyền thống chi trả cổ tức cao.

Năm 2019 vừa rồi, DSN đạt 219,5 tỷ đồng doanh thu và 95,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kế hoạch chi trả cổ tức lên tới 60% trên vốn điều lệ (tương ứng 72,5 tỷ đồng). Cổ đông lớn nhất tại Công viên nước Đầm Sen là Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, nắm 33,54%. 

Ngày 20/1/2020, ngay trước thềm của kỳ nghỉ Tết, DSN tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, trong đó thông qua kế hoạch chi trả cổ tức tối thiểu cho cổ đông trong năm 2020 là 36% vốn điều lệ (tương ứng 120,8 tỷ đồng).

Ngay sát ngày nghỉ Tết, Hội đồng quản trị Sabeco cũng báo tin vui với cổ đông khi quyết định tạm ứng cổ tức tiền năm 2019 cho cổ đông với tỷ lệ chi trả 35% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 3.500 đồng “tiền tươi thóc thật”. Ngày đăng ký cuối cùng là 14/2 và thanh toán vào ngày 9/3.

Theo đó, Sabeco sẽ phải dự chi tới 2.244 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức lần này. Hai cổ đông lớn nhất là ThaiBev và Bộ Công Thương lần lượt nhận về 1.202 tỷ và 808 tỷ đồng.

Năm 2019, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2018 và lãi sau thuế tăng 22% lên 5.370 tỷ đồng và là năm có lợi nhuận cao kỷ lục của “ông lớn” ngành bia Việt Nam dưới sự quản lý của người Thái.

Với nguồn lực 11.232 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 1.130 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển tại thời điểm cuối năm 2019, có thể nói, Sabeco là một “đại gia” khó bì trên thị trường chứng khoán. Trước đó, trong năm 2018, Sabeco cũng đã chi trả cổ tức tiền mặt lên tới 50% tương ứng tổng số tiền chi trả cho cổ động là 3.206 tỷ đồng.

Trong đợt này, một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (mã chứng khoán HTL) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2018 tỷ lệ 20% (tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Ngày thanh toán dự kiến vào 14/2, tức sau khi nghỉ Tết xong khoảng 2 tuần thì cổ đông sẽ nhận được khoản tiền này.

Cùng tỷ lệ chi trả như trên còn có Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex (mã chứng khoán VCM). Với tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng), cổ đông VCM sẽ được thanh toán vào ngày 28/2/2020.

Công ty cổ phần Thủy điện điện lực Đắk Lắk (mã EAD) dự kiến ngày 3/2 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền tỷ lệ 14% (1 cổ phiếu nhận 1.400 đồng) và thanh toán vào ngày 12/2/2020.

Ngày 10/2 là ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông Công ty cổ phần Bảo hiểm ngân hàng Nông nghiệp (mã ABI) để nhận tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu nhận 1.200 đồng). Và theo đó, thời gian thanh toán vào 5/3/2020.

Cổ đông Công ty cổ phần Điện nước lắp máy Hải Phòng (mã DNC) cũng được thông báo về ngày đăng ký cuối cùng nhận tạm ứng cổ tức đợt 2/2019 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% là vào ngày 18/2 và đến 8/4 sẽ được thanh toán.

Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (mã chứng khoán TTE) với tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 6% thì thanh toán cho cổ đông sớm hơn, vào ngày 12/2. Thậm chí, ngay khi hết kỳ nghỉ Tết, vào ngày 6/2 thì cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC (mã HVH) sẽ được thanh toán cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% (tức cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu được nhận 500 đồng).

Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (mã THP) và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển điện Miền Bắc 2 (mã ND2) cùng dự định trả cổ tức tiền mặt tỉ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 đồng.

Một số doanh nghiệp khác lại công bố chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng với tỉ lệ cao, như Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (mã chứng khoán SII). Doanh nghiệp này dự kiến phát hành 37,42 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 16.900 đồng/cổ phiếu, tỉ lệ 58%. 

Hay như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) của bầu Hiển cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

SHB tăng vốn điều lệ từ 12.036 tỷ đồng lên hơn 14.550 tỷ đồng dưới hình thức chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại đến 31/12/2018. Như vậy, SHB sẽ phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 2.514 tỷ đồng tính theo mệnh giá) để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20,9%.

Mai Chi