Đâu là “rào cản” trong việc phát triển ví điện tử?

(Dân trí) - Ví điện tử đang phát triển mạnh nhưng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, nguyên nhân là do một bộ phận người dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và chưa đặt nhiều niềm tin vào ví điện tử.

Đâu là “rào cản” trong việc phát triển ví điện tử? - 1

Việc thanh toán bằng ví điện tử trong thời hiện đại đang ngày càng phát triển.

Trong sự kiện Công bố kết quả khảo sát và bình chọn ví điện tử Việt Nam năm 2019. Các chuyên gia nhận định, ví điện tử đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam có khoảng 30 ví điện tử đang hoạt động, trong đó có 5-6 ví điện tử hoạt động tích cực và được nhiều người dân sử dụng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập MoMo cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia phát triển cũng chỉ có 1-3 ví được người tiêu dùng đón nhận.

Điển hình như Trung Quốc, kinh tế phát triển mạnh nhưng chỉ có 2 ví hay nhiều quốc gia khác cũng chỉ có từ 1-2 ví điện tử. Chính vì vậy, trong tương lai, Việt Nam cũng chỉ cần 2-3 ví là đủ.

“Hiện nay đang có hàng chục triệu khách hàng sử dụng ví điện tử để thanh toán cước điện thoại di động , thanh toán tiền điện, nước, mua sắm online…” ông Diệp nói.

Cũng theo ông Diệp, việc phát triển ví điện tử cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có 2 khó khăn lớn mà các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử đang gặp phải.

Khó khăn thứ nhất chính là việc lấy niềm tin của khách hàng và khiến khách hàng sử dụng ví. Đây là thử thách thực sự của doanh nghiệp bởi khi khách hàng trao niềm tin thì doanh nghiệp mới có cơ hội triển khai dịch vụ và “mời chào” những tiện ích của mình.

Khó khăn thứ 2 chính là việc nhiều người dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Chính vì điều này mà ví điện tử chưa thể triển khai sâu rộng ở nhiều địa bàn mà chỉ tập trung ở 3 thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cung cấp ví điện tử cũng cho rằng, các doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ví điện tử đến người dân bởi sự thuận tiện, hữu ích của sản phẩm này.

“Khách hàng có thể mất nhiều thời gian hơn khi thanh toán bằng tài khoản ngân hàng do phải thực hiện nhiều thao tác. Nhưng nếu thanh toán qua ví điện tử thì chỉ mất vài giây là khách hàng có thể thực hiện xong giao dịch và mọi người có thể thanh toán nhiều hóa đơn cùng một lúc. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể sử dụng nhiều dịch vụ giải trí khác trên ví điện tử. Đó chính là lợi thế của ví điện tử so với việc thanh toán qua ngân hàng”, đại diện một ví điện tử nói.

Đâu là “rào cản” trong việc phát triển ví điện tử? - 2

Các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và ban tổ chức đã trao đổi về những khó khăn, thử thách của ví điện tử tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Trần Trọng Tú, đại diện Ban tổ chức sự kiện thì kết quả khảo sát và bình chọn Ví điện tử Việt Nam tiêu biểu năm 2019 sẽ dự trên 5 tiêu chí như: tính nhận biết và phổ biến; tính an toàn, bảo mật; tính tiện lợi trong giao dịch, thanh toán, sử dụng ứng dụng; khả năng liên kết, mở rộng với các nhà cung cấp và hệ thống ngân hàng; bình chọn được người tiêu dùng yêu thích và tin cậy nhất.

“ Ví điện tử đang "nở rộ" nhưng số lượng ví lọt được vào mắt xanh của người tiêu dùng thì chỉ có một số tên tuổi như MoMo, Zalo Pay và Viettel Pay. Đây cũng chính là 3 ví điện tử đứng đầu trong cuộc bình chọn lần này”, ông Tú nói.

Đại Việt