1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đâu là nền tảng tiếp cận thị trường EU?

(Dân trí) - “Doanh nghiệp Việt Nam có thể có được địa chỉ liên hệ dễ dàng, nhưng cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt, quản lý kinh doanh chuyên nghiệp, giữ uy tín… mới là nền tảng cho thành công trong tiếp cận thị trường EU” - đại diện phái đoàn EC khẳng định.

Buổi đối thoại trực tuyến đầu tiên do Bộ Công Thương tổ chức là với chủ đề về thị trường châu Âu (EU) vừa diễn ra tối 6/4 và được công bố rộng rãi trên cổng thông tin thị trường nước ngoài. Hoạt động này nhằm hỗ trợ thông tin thị trường một cách nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp.
Đâu là nền tảng tiếp cận thị trường EU? - 1
Thị trường EU đầy tiềm năng song cũng không ít thách thức (ảnh minh họa)

Ông Jean-Jacques Bouflet - Đại diện phái đoàn EC tại Việt Nam đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại. Đây là những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu quan tâm.

Để có thể thâm nhập vào thị trường EU, vai trò của các nhà nhập khẩu đầu mối là vô cùng quan trọng. Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận cũng như thiết lập quan hệ với các nhà nhập khẩu đầu mối tại thị trường này?

Theo tôi, mỗi nhà xuất khẩu Việt Nam cần có chiến lược xuất khẩu riêng của mình và đưa ra những quyết định rõ ràng về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa (đối với hoạt động kinh doanh của họ) là gì.

Cần phải xác định lợi thế nhất định của mình trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể trước khi tìm kiếm đối tác và thiết lập quan hệ với họ. Thiết lập mạng lưới và liên hệ với các nhà nhập khẩu EU là một việc quan trọng, nhưng không hề đơn giản.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể có được địa chỉ liên hệ dễ dàng, nhưng cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt, quản lý kinh doanh chuyên nghiệp, giữ uy tín,…mới là nền tảng cho thành công trong tiếp cận thị trường EU.

Đâu là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đã, đang và sẽ cạnh tranh thành công tại thị trường EU?

Nhìn vào thương mại Việt Nam - EU trong những năm qua, dễ dàng thấy được các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vào EU là những sản phẩm truyền thống và những sản phẩm thu hút nhiều lao động.

Xu hướng này một lần nữa được chứng minh qua số liệu xuất nhập khẩu năm 2010. Trong kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ euro thì có: giày dép chiếm 1,75 tỷ; hàng dệt may: 1,43 tỷ; hàng thủy sản 739,2 triệu euro; cà phê 794,5 triệu euro và đồ gỗ nội thất 720,5 triệu euro.

Xin ông cho biết, những rào cản nào cần lưu ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi tham gia vào thị trường EU?

EU không có bất kỳ rào cản nào đối với Việt Nam hay một nước thứ 3 khác. Những gì EU áp dụng chỉ là các quy định về kỹ thuật và biện pháp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên thị trường EU, áp dụng với cả sản phẩm trong nước và nhập khẩu.

Tất nhiên, thị trường EU có những yêu cầu cao về chất lượng, nhưng EU đồng thời cũng là thị trường đầy tiềm năng. Các tiêu chuẩn EU áp dụng dựa trên các nghiên cứu khoa học, mặc dù thực tế có một số tiêu chuẩn đòi hỏi nhiều nỗ lực của các  nước đang phát triển. Nhưng quan trọng nhất, là kết quả mang lại.

Đáp ứng được tiêu chuẩn của EU cũng đồng nghĩa với việc chứng minh sản phẩm của Việt Nam đạt chất lượng hàng đầu và đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Trong ngắn hạn, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng EU mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước xuất khẩu và người tiêu dùng của họ.

Theo ông, trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ gì để thúc đẩy sản phẩm của Việt Nam thâm nhập tốt hơn thị trường EU ?

Quan điểm của tôi là Chính phủ Việt Nam hiểu rõ nên làm gì và có thể làm gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, các hoạt động gồm có: hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tổ chức hội chợ thương  mại, mở những trung tâm kinh doanh…

Đối với thị trường EU gồm 500 triệu người tiêu dùng có thu nhập cao, đàm phán và ký kết hiệp định tự do thương mại (FTA) sớm là một trong những điều kiện đảm bảo việc tiếp cận thị trường bền vững và dễ dự đoán cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam không còn là  nước thu nhập thấp không nên dựa vào các ưu đãi đơn phương như Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) như trước đây.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm