1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dấu hiệu lo ngại suy thoái kinh tế ở Trung Quốc

(Dân trí) - Mức tăng giá sản xuất tại nhà máy và giá tiêu dùng ở Trung Quốc tiếp tục chênh lệch làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế tại nước này.

Chênh lệch giữa mức tăng giá sản xuất và giá tiêu dùng lớn

SCMP dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng Trung Quốc khó có thể thay đổi chính sách tiền tệ ngay cả khi giá cả tại các nhà máy tiếp tục tăng và giá tiêu dùng vẫn duy trì ở mức thấp. Điều này gia tăng lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế ở nước này.

Dấu hiệu lo ngại suy thoái kinh tế ở Trung Quốc - 1

Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng ở mức cao nhất trong 13 năm qua (Ảnh: Reuters).

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa cho biết, giá sản xuất (PPI) - chỉ số phản ánh giá cả tại các nhà máy tính cho các sản phẩm bán buôn - trong tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 13 năm qua.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng cao, giá than đạt mức kỷ lục mới trong tuần này càng gia tăng thêm áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong tháng 8, với mức tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm nhẹ so với mức 1% trong tháng 7 và thấp hơn mục tiêu khoảng 3% trong năm 2021 của Bắc Kinh. Giá thịt lợn và giá năng lượng giảm là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng trước tăng chậm.

Khoảng cách ngày càng lớn giữa tăng giá sản xuất và tăng giá tiêu dùng đang trở nên đáng lo ngại. Bởi điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất đang phải gánh chịu giá nguyên liệu thô tăng cao, buộc họ phải hạn chế sản xuất. Trong khi đó, CPI chỉ tăng nhẹ đồng nghĩa chi phí sản xuất không được chuyển sang người tiêu dùng do sức mua vẫn yếu vì ảnh hưởng của đại dịch.

Các nhà phân tích cho rằng, tình huống này làm gia tăng các dấu hiệu về suy thoái, nhưng Bắc Kinh vẫn cho biết sẽ không nới lỏng các chính sách tiền tệ như giảm lãi suất.

Các giải pháp hạ nhiệt

Để giải quyết tình trạng tăng giá tại nhà máy, các nhà kinh tế từ Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục giảm bớt các hạn chế về nguồn cung đối với vật liệu thô, khơi thông một số nút thắt vận tải để tăng nguồn cung và tăng tín dụng cho các doanh nghiệp.

"Chênh lệch giữa mức tăng PPI và CPI dẫn đến biên lợi nhuận của các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ ngày càng giảm đồng thời gia tăng thêm áp lực đối với tăng trưởng trong những tháng tới", các nhà kinh tế của Nomura nói và cho rằng: "Giải pháp chính sách của Bắc Kinh lúc này không phải là hạ nhiệt nhu cầu, đặc biệt khi lĩnh vực bất động sản đang bị hạn chế đáng kể và đại dịch Covid-19 đang giữ nhu cầu tiêu dùng ở mức thấp".

Dấu hiệu lo ngại suy thoái kinh tế ở Trung Quốc - 2

Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng bởi đại dịch (Ảnh: Xinhua).

Nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc đại lục của HSBC - ông Jing Liu cho biết một cách mà Bắc Kinh hạ nhiệt giá nguyên liệu là tăng nguồn cung than trong nước khi phê duyệt mở lại hàng chục mỏ than ở Nội Mông và Tân Cương gần đây.

Theo các nhà phân tích của Citi Securities, các nhà chức trách Trung Quốc khó có thể tăng thanh khoản khi họ muốn tránh lạm phát đình trệ bởi CPI có thể hồi phục nhanh trong điều kiện kinh tế nới lỏng hơn.

"Do đó, điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề PPI cao và mức chênh lệch giữa PPI và CPI trong khi dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế", Citi Securities cho hay.

Nới lỏng chính sách tiền tệ?

Trong đầu tuần này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục nhắc lại họ sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm.

Người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nước này cũng thừa nhận, lạm phát giá hàng hóa và lạm phát giá tại các nhà máy có thể giáng đòn lớn vào các doanh nghiệp nhỏ thâm dụng lao động, khả năng thương lượng yếu và nhạy cảm với chi phí nguyên liệu thô. "Điều đó đáng được quan tâm và tăng cường hỗ trợ về mặt chính sách", ông nói.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được giữ nguyên trong thời gian còn lại của năm.

"Chúng tôi kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục xu hướng thận trọng với việc nới lỏng nhẹ trong thời gian còn lại của năm bởi suy giảm kinh tế đòi hỏi một chính sách tiền tệ phù hợp hơn", ông Liu của HSBC nói.

Nhưng điều đó không có nghĩa là giá cả tại các nhà máy sẽ giảm hoặc đi ngang hay chỉ số CPI sẽ tăng lên mức kỳ vọng, các nhà phân tích khẳng định.

"Khi Bắc Kinh tiếp tục nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon và hạn chế sản lượng trong các lĩnh vực gây ô nhiễm cao, chúng tôi tin rằng mức tăng PPI có thể sẽ cao hơn nữa trong tháng 9 và 10", các nhà kinh tế của Nomura nhận định.

Tuy nhiên ông Julian Evans-Pritchard - nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics - tỏ ra lạc quan hơn khi nói rằng lạm phát giá sản xuất có thể đã lên đến đỉnh điểm.

"Chúng tôi cho rằng giá than và kim loại có thể sẽ giảm trở lại trong những tháng tới do tốc độ tăng trưởng tín dụng gần đây chậm lại và các hạn chế chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực bất động sản bắt đầu ảnh hưởng nặng nề hơn đến hoạt động xây dựng".