DNews

"Dấu chân kinh tế" hàng nghìn tỷ đồng từ cơn sốt âm nhạc "Anh trai"

Mỹ Tâm Nhật Quang Phương Liên

(Dân trí) - Các đêm diễn hàng chục nghìn khán của của "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" gợi mở nhiều cơ hội về việc biến tổ chức concert thành ngành kinh tế tiềm năng cho Việt Nam.

"Dấu chân kinh tế" hàng nghìn tỷ đồng từ cơn sốt âm nhạc "Anh trai"

Hai chương trình "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã tạo nên cơn sốt trong thời gian qua với loạt concert thành công tại Hà Nội và TPHCM. "Anh trai say hi" đã thu hút hàng chục nghìn khán giả qua 4 đêm nhạc, trong khi "Anh trai vượt ngàn chông gai" chinh phục hơn 20.000 khán giả tại TPHCM và sắp tổ chức thêm một đêm tại Hưng Yên vào ngày 14/12.

Show "Anh trai" giúp công ty tổ chức sự kiện lãi đậm

Không chỉ là sự kiện giải trí, các đêm concert của hai chương trình này còn mở ra tiềm năng kinh tế từ ngành tổ chức biểu diễn tại Việt Nam.

Hai đêm tại sân Mỹ Đình của Blackpink năm 2023 có doanh thu hơn 13 triệu USD (khoảng 333 tỷ đồng) với tỷ lệ bán vé 100%, theo số liệu của trang Touring Data. Hai concert "Anh trai say hi" ở địa điểm tương tự tuy chưa công bố doanh thu song cũng được dự báo với mức trăm tỷ đồng. 

Ông Hồng Quang Minh, chuyên gia truyền thông, cho biết doanh thu concert đóng góp nhiều vào doanh thu tổng thể của gameshow nên các đơn vị sản xuất liên tục thực hiện các đêm nhạc hậu chương trình.

"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc nhà tổ chức tự tin triển khai kế hoạch này cho thấy họ đã có nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường và nhu cầu khán giả. Điều này không khác gì việc mở quán ăn mới, bạn sẽ không dám mở nếu không chắc rằng thực đơn của mình sẽ thu hút khách hàng", ông nói.

Bên cạnh nguồn thu tiền vé, thành công từ 2 chương trình còn đem lại nguồn thu lớn về quảng cáo. Trong khi "Anh trai say hi" được phát sóng trên kênh truyền hình HTV2 thì "Anh trai vượt ngàn chông gai" được phát trên khung giờ vàng của VTV3.

Khảo sát từ Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, cứ 30 giây quảng cáo phát tại khung 8 giờ tối chi phí là 170-180 triệu đồng. Còn tại HTV, cùng khung giờ tương tự, mỗi 30 giây quảng cáo, nhãn hàng phải chi 40-50 triệu đồng.

Theo báo cáo tài chính quý III vừa công bố, Yeah1, nhà sản xuất chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai", ghi nhận doanh thu gấp 3 lần so với cùng kỳ, lên hơn 345 tỷ đồng và là mức doanh thu cao nhất kể từ quý IV/2020. Trong đó chủ yếu là doanh thu từ quảng cáo và tư vấn truyền thông với 307 tỷ đồng.

Kết thúc quý III, đơn vị này báo lãi tăng gấp 11 lần, lên hơn 34 tỷ đồng, bất chấp chi phí bán hàng tăng gần gấp đôi và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2,6 lần.

Lũy kế 9 tháng, Yeah1 ghi nhận doanh thu thuần hơn 629 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu tập trung vào 3 mảng kinh doanh gồm quảng cáo và tư vấn truyền thông, cung cấp dịch vụ và thương mại điện tử, bản quyền nội dung.

Trong đó, mảng quảng cáo và tư vấn truyền thông đóng góp doanh thu cao nhất với 560 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Đây là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Yeah1 trong các dự án sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất và phát hành nội dung trên nền tảng mạng xã hội, quảng cáo trên Google, quảng cáo truyền hình.

Dấu chân kinh tế hàng nghìn tỷ đồng từ cơn sốt âm nhạc Anh trai - 1

Đêm nhạc "Anh trai say hi" tại Mỹ Đình (Ảnh: BTC).

Ở góc nhìn khác, việc phát hành các video ca nhạc của các "anh trai" trên các kênh như Youtube, Spotify, Apple Music… sau các đêm công diễn cũng góp phần đem lại "mắt xem", lượt nghe (streaming) tăng nguồn thu cho nhà sản xuất.

Chỉ tính riêng kênh Youtube, VieON, nhà sản xuất chính chương trình "Anh trai say hi", sở hữu hơn 11 triệu lượt theo dõi ở kênh chính, nhiều video lọt top trending (xu hướng) với hàng triệu lượt xem. Phía Yeah1 cũng sở hữu kênh có hơn 3,2 triệu lượt theo dõi.

Tổ chức concert - ngành kinh tế tiềm năng

Doanh thu không chỉ dừng ở việc bán vé, khai thác thương mại, các buổi biểu diễn này còn có thể mang về giá trị tăng thêm cho các ngành kinh tế có liên quan.

Chuyên gia cũng cho rằng concert không chỉ là sân chơi của giới trẻ, nhiều gia đình, cặp đôi hay nhóm bạn đã biến các buổi hòa nhạc thành dịp để du lịch và khám phá văn hóa địa phương hay còn biết đến là xu hướng du lịch âm nhạc. Điều này tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, từ ngành hàng không, khách sạn, cho đến nhà hàng và dịch vụ vận chuyển.

Hai đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội đã thu hút hơn 70.000 khán giả, trong đó có hơn 3.000 khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch từ sự kiện này theo thống kê lên tới hơn 600 tỷ đồng, với số lượng vé máy bay đến Hà Nội tăng gấp 10 lần và số phòng khách sạn được đặt tăng gấp 2-3 lần.

Không chỉ nghệ sĩ quốc tế, những nghệ sĩ Việt Nam khác như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh... cũng góp phần định hình xu hướng này. Chuyên gia Nguyễn Phương Đông, Giám đốc điều hành Hot Panda Media, cho biết: "Trước nay người Việt vẫn sẵn sàng chi tiền cho nghệ sĩ Việt. Những chương trình của Rap Việt, các concert của những nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm… đều là những show cháy vé".

Theo đó, "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" cũng không phải ngoại lệ khi tạo nên cơn sốt. Các buổi concert này đã thu hút khoảng 50.000-70.000 khán giả.

Để tham dự concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" ngày 14/12 tới, Hoàng Sơn (Tân Bình, TPHCM) chi hơn 30 triệu đồng cho 2 vợ chồng để bay ra Hà Nội. Chi phí trên đã bao gồm 4 triệu đồng tiền vé tham dự đêm diễn, tiền vé máy bay, và tiền khách sạn cho 3 ngày 2 đêm.

"Ngay khi mua vé concert thành công, tôi lập tức tìm đặt phòng khách sạn và đặt mua vé máy bay. Tranh thủ dịp cuối năm, tôi và vợ sẵn vừa sẵn đi nghe ca nhạc vừa kết hợp thăm thú Hà Nội khi trời trở đông", Sơn nói.

Chỉ tính riêng chi phí đi lại, mỗi cặp vé khứ hồi là hơn 5 triệu đồng. Còn tiền lưu trú do đặt được từ sớm nên giá cả không quá cao so với ngày thường, Sơn chia sẻ.

Ngọc Anh (Hà Nội) thì cho rằng các nghệ sĩ Việt hát hay, nhảy đẹp và tài năng không kém thần tượng Hàn Quốc, Mỹ... "So với theo đuổi nghệ sĩ quốc tế, việc hâm mộ nghệ sĩ trong nước dễ dàng hơn. Tôi không còn phải tốn quá nhiều tiền để ra nước ngoài xem concert, còn dễ dàng gặp, hát theo những ca khúc của họ", Ngọc Anh nói và cho rằng tấm vé xem concert trị giá 4 triệu là hoàn toàn xứng đáng.

Dấu chân kinh tế hàng nghìn tỷ đồng từ cơn sốt âm nhạc Anh trai - 2

Concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" (Ảnh: BTC).

Một môi giới bất động sản kiêm quản lý một số homestay tại khu vực diễn ra concert cho biết đã hết phòng từ sớm. Các chủ kinh doanh đã quá tải đặt phòng vào ngày 14/12 và không thể đáp ứng nổi nhu cầu khách thuê bỗng dưng tăng vọt. Nhiều biệt thự cho thuê ngắn hạn theo ngày bình thường vắng khách thuê thì đã kín trong ngày diễn ra concert.

Ngập dịch vụ ăn theo concert

Làng nhạc trong nước trước đây hiếm khi có những đại nhạc hội tổ chức ở sân vận động với quy mô lớn. Năm 2022, Mỹ Tâm lần đầu tổ chức concert "Tri âm", với khoảng 30.000 khán giả ở Sân vận động Mỹ Đình. Một năm sau, Blackpink tạo nên kỷ lục với khoảng 70.000 khán giả trong 2 ngày ở cùng địa điểm. Người hâm mộ từng nghĩ sẽ rất lâu mới có nghệ sĩ với sức ảnh hưởng lớn mới có thể phá vỡ thành tích của Blackpink.

Nhưng 30 ca sĩ của "Anh trai say hi" đã tạo nên dấu mốc với ngành tổ chức biểu diễn trong nước. Thậm chí, tổ chức concert bắt đầu trở thành ngành kinh tế tiềm năng khi mức độ chịu chi của người hâm mộ Việt ngày càng tăng.

Bên cạnh nguồn thu tiền vé, các buổi biểu diễn của ngôi sao quốc tế có thể mang về giá trị tăng thêm cho các dịch vụ ăn theo.

Trong concert "Anh trai say hi", có hạng vé lên đến 10 triệu đồng với những ưu tiên như khán giả sẽ có lối đi riêng, quầy buffet, chỗ ngồi view đẹp…

Thời điểm Blackpink biểu diễn ở Việt Nam, bên cạnh hàng nghìn bài rao bán vé trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau, cộng đồng mạng còn bị ngợp bởi những bài viết bán những món đồ lưu niệm liên quan đến Blackpink, điển hình như lightstick (gậy phát sáng), cốc uống nước, áo in hình hay mũ có in logo của nhóm. Trên các sàn thương mại điện tử, những món đồ lưu niệm cũng được rao bán mạnh.

Hàng loạt món đồ được cho là không thể thiếu khi đi concert được đăng tải như sạc dự phòng, chiếc quạt cầm tay mini…

Dịch vụ săn vé hộ, thuê điện thoại nở rộ. Thu Phương, chuyên săn vé hộ ở Hà Nội, cho biết được nhiều người chuyển khoản, gửi cọc để mua. Với 2 concert "Anh trai", cô chỉ đặt được một phần nhỏ so với nhu cầu của khách. "Tôi bất ngờ vì lượng khán giả mua vé quá đông", cô nói. Cô thu 200.000 tiền công cho vé đứng, 400.000 đồng với vé ngồi. Thu Phương sẽ hoàn tiền lại cho những người không có vé.

Không dừng lại ở giải trí

Với sự đầu tư bài bản và quy mô ngày càng lớn, những sự kiện này đã và đang trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế và công nghiệp biểu diễn, góp phần tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm, từ trực tiếp đến gián tiếp.

Dấu chân kinh tế hàng nghìn tỷ đồng từ cơn sốt âm nhạc Anh trai - 3

Concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" (Ảnh: BTC).

Một chương trình âm nhạc lớn có thể tạo ra hàng trăm đến hàng nghìn công việc trực tiếp. Cụ thể, ban tổ chức sự kiện, từ quản lý, kỹ thuật âm thanh ánh sáng đến đội ngũ truyền thông, marketing, đều đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo sự kiện diễn ra trọn vẹn. Ngoài ra, các nghệ sĩ biểu diễn, sáng tác, biên đạo, vũ công cũng có cơ hội phát triển sự nghiệp thông qua các chương trình.

Không dừng lại ở đó, các sự kiện âm nhạc huy động lượng lớn nhân sự thời vụ cho các công việc như kiểm tra vé, hướng dẫn khán giả hay hỗ trợ công tác hậu cần. Với những đại nhạc hội thu hút hàng chục nghìn khán giả, lực lượng an ninh, y tế... tham gia, tạo thêm công việc trong các lĩnh vực liên quan.

Tác động của các sự kiện âm nhạc kéo dài cả sau chương trình. Các nhà cung cấp thiết bị âm thanh, ánh sáng, màn hình LED, sân khấu, dịch vụ vận tải... đều hưởng lợi từ nhu cầu sản xuất, lắp đặt và vận hành sự kiện.

"Dấu chân kinh tế" hàng chục tỷ USD

Các sự kiện âm nhạc lớn luôn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế, không chỉ thông qua doanh thu trực tiếp từ bán vé mà còn tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác.

Những sự kiện âm nhạc đình đám, như "The Eras Tour" của Taylor Swift, đã mang đến lợi nhuận khổng lồ cho ngành giải trí và tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ cho các ngành kinh tế khác.

Với 152 đêm diễn tại 51 thành phố, Taylor Swift bán được tổng cộng hơn 2,077 tỷ USD tiền vé, trở thành tour diễn có doanh thu cao nhất lịch sử. Con số không chỉ phản ánh sức hút mạnh mẽ của nữ ca sĩ mà còn cho thấy sự đóng góp của âm nhạc vào kinh tế toàn cầu.

Theo Hiệp hội Du lịch Mỹ, người hâm mộ của Taylor Swift chi trung bình 1.300 USD/người cho chi phí đi lại, khách sạn, ăn uống và mua sắm.

Theo khảo sát từ Question Pro, những "Swifties", người hâm mộ của nữ ca sĩ Taylor Swift, đã chi tổng cộng 5 tỷ USD tại Mỹ. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tính đến chi tiêu trực tiếp. Hiệp hội Du lịch Mỹ cho rằng tổng chi tiêu, bao gồm cả các khoản chi gián tiếp và các giao dịch của những người không có vé, có thể vượt 10 tỷ USD.

Các nhà phân tích gọi đây là "hiệu ứng Taylor Swift", một cú hích lớn cho ngành du lịch và khách sạn. Các khu vực trung tâm thành phố chứng kiến lưu lượng người qua lại và tỷ lệ lấp đầy phòng tăng đáng kể nhờ lượng khách đổ về.

"Các sự kiện này đã mang lại hiệu ứng phục hồi lớn cho ngành du lịch và các trung tâm thành phố vẫn đang phải vật lộn với hậu quả từ đại dịch", báo cáo của Trung tâm Việc làm & Kinh tế California cho biết.

Dấu chân kinh tế hàng nghìn tỷ đồng từ cơn sốt âm nhạc Anh trai - 4

Taylor Swift trình diễn (Ảnh: Getty Images).

Trung tâm này ước tính 6 đêm diễn tại Los Angeles đã tạo thêm việc làm cho 3.300 người và tăng thu nhập địa phương thêm 160 triệu USD. Hiệu ứng Eras không chỉ giới hạn ở ngành khách sạn. Các công ty gọi xe như Lyft ghi nhận số lượng chuyến đi tăng 8,2% tại các thành phố tổ chức buổi hòa nhạc.

Tại Đông Nam Á, Singapore là điểm dừng chân duy nhất của Taylor Swift trong khu vực, và chuyến lưu diễn này cũng đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Kinh tế Singapore trong quý I đã tăng trưởng 2,7%, một phần nhờ vào chuyến lưu diễn của nữ ca sĩ. Tổng cục Du lịch Singapore cho biết quốc đảo này đã đón 4,35 triệu du khách trong 3 tháng đầu năm, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

K-pop cũng mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ cho Hàn Quốc.

Theo Koreaboo, nửa đầu năm nay, doanh thu từ các hoạt động xuất khẩu K-pop là 133 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu bao gồm việc tổ chức các chương trình âm nhạc, bán đĩa, phát hành âm nhạc ở nước ngoài.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc còn thể hiện qua con số 8,1 tỷ USD cho thị trường tổ chức sự kiện K-pop vào năm 2021 và 220 triệu USD từ việc xuất khẩu album, theo số liệu từ Allie Market Industry. Ước tính đến năm 2031, ngành biểu diễn của nước này có thể đạt giá trị lên đến 20 tỷ USD.

Blackpink đã thu về 163,8 triệu USD sau 40 concert trong chuyến lưu diễn Born Pink, đưa họ trở thành nhóm nhạc nữ có doanh thu lưu diễn cao nhất lịch sử. Các concert của nhóm thu hút hàng chục ngàn khán giả, góp phần quảng bá văn hóa và hình ảnh Hàn Quốc ra toàn cầu.

Chính phủ Hàn Quốc từ lâu đã coi âm nhạc là một ngành chiến lược. Từ năm 2010, K-pop được đầu tư bài bản để trở thành ngành công nghiệp tỷ USD. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã dành 585 triệu USD để hỗ trợ phát triển văn hóa, âm nhạc, cùng các lĩnh vực liên quan như du lịch và thời trang.

Forbes đánh giá âm nhạc là lĩnh vực hàng đầu của Hàn, bên cạnh sản xuất ô tô, công nghệ thông tin và chất bán dẫn. Ô tô và công nghệ thông tin tạo ra GDP cao hơn nhưng K-pop có giá trị thương hiệu vô giá. Không chỉ tự tạo ra lợi nhuận, K-pop có tác động tích cực đến nhiều ngành khác, từ du lịch, ẩm thực, thời trang cho đến việc học tiếng Hàn.