1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dấu ấn Masan High-Tech Materials tại Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Masan High-Tech Materials - công ty thành viên của Tập đoàn Masan - là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu tham gia Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Sự kiện diễn ra từ ngày 28/10 đến 1/11 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, với sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn, uy tín trong nước và quốc tế.

Masan High-Tech Materials (MHT) là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về Vonfram công nghệ cao, có các tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, sở hữu 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Đức, Việt Nam. MHT là công ty thành viên của Tập đoàn Masan, hiện sở hữu mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo tại Thái Nguyên.

Masan High-Tech Materials là doanh nghiệp chế tạo vật liệu công nghệ cao sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại, quy trình quản lý nghiêm ngặt, tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Đây cũng là doanh nghiệp điển hình trong việc thực thi các sáng kiến trung hòa carbon, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng.

Dấu ấn Masan High-Tech Materials tại Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 - 1
Gian hàng của Masan High-Tech Materials thu hút sự chú ý tại triển lãm (Ảnh: MHT).

Xác định rõ mục tiêu của đổi mới sáng tạo là tập trung góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu, phát triển xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi số…, Masan High-Tech Materials cho biết đã đầu tư nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất, kiến tạo những giải pháp đột phá, phát triển các sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tính đến năm 2023, Masan High-Tech Materials đã có gần 100 bằng sáng chế mới trên toàn thế giới và 50 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn ứng dụng.

Các sản phẩm vật liệu công nghệ cao của Masan High-Tech Materials đã tiếp cận thị trường toàn cầu. Cụ thể, 45% sản phẩm của công ty được bán ở châu Âu, 22% ở khu vực Bắc Mỹ, 18% được sản xuất tại Trung Quốc và bán cho thị trường này, 15% được bán ở các nước còn lại trên thế giới. Masan High-Tech Materials có mạng lưới 300 khách hàng ở 30 quốc gia khác nhau.

Năm 2022, Masan High-Tech Materials đầu tư vào Nyobolt để phát triển dòng pin ứng dụng vật liệu công nghệ cao Vonfram có tốc độ sạc nhanh, an toàn vượt trội và công suất gấp 10 lần so với dòng pin thông thường, đáp ứng xu thế sử dụng nhiên liệu sạch của thế giới. Mới đây, Nyobolt đã cho ra mắt mẫu xe điện có thể sạc đầy trong vòng chưa đến 6 phút. Đây là tốc độ sạc kỷ lục, được kỳ vọng làm thay đổi tương lai của ngành công nghiệp xe điện.

Dấu ấn Masan High-Tech Materials tại Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 - 2
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại MHT Việt Nam (Ảnh: MHT).

Đầu năm 2023, Masan High-Tech Materials ra mắt thương hiệu bột Vonfram "starck2charge" đăng ký bản quyền toàn cầu, sử dụng trong sản xuất pin Li-ion sạc nhanh và an toàn. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những bài toán năng lượng mới và tạo ra hệ sinh thái năng lượng sạch, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp xe điện.

Tiếp đó, Masan High-Tech Materials ra mắt hỗn hợp bột Vonfram phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ in 3D với độ ổn định và tinh khiết cao, phù hợp trong lĩnh vực y tế. Đây là những thế hệ sản phẩm, giải pháp mới của Masan High-Tech Materials, đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ tiên tiến và các ngành công nghiệp toàn cầu.

Thông qua các dự án nghiên cứu và thí nghiệm mô phỏng, đến nay Masan High-Tech Materials đã phát triển, hoàn thiện quy trình tái chế, cho phép thu hồi toàn bộ lithium, niken, đồng, coban, mangan từ các sản phẩm pin thải, đồng thời, phát triển các công thức tinh luyện đặc thù nhằm đạt được hiệu quả thu hồi Vonfram cao hơn.

Dấu ấn Masan High-Tech Materials tại Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 - 3
Sản xuất Vonfram chế biến sâu tại Thái Nguyên, Việt Nam (Ảnh: MHT).

Công ty cũng tìm kiếm và thiết lập các hệ thống khép kín để tái sử dụng, tái chế và làm mới vật liệu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô và hạn chế phát sinh chất thải, tích hợp AI vào hệ thống điều hành, giúp phản ứng nhanh hơn với những thay đổi trong điều kiện vận hành và tối ưu hóa quy trình của mình.

Đồng thời, công ty phát triển các sản phẩm mới từ dòng thải của hoạt động khai thác thành chất cô đặc magnetit cho ngành thép, phụ gia florit cho ngành xi măng …

Những thành tựu công nghệ nổi bật này giúp Masan High-Tech Materials không phụ thuộc vào nguồn cung sơ cấp trong khai thác khoáng sản mà còn cho phép đẩy mạnh mô hình kinh doanh tuần hoàn thông qua khai thác mỏ phế thải ngay tại các đô thị, thu gom, xử lý chất thải sản xuất và tái chế phế liệu, các tài sản cuối vòng đời trở thành nguồn nguyên liệu tạo ra các vật liệu mới, sản phẩm mới.

Công ty nỗ lực triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm tái chế Vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.

Dấu ấn Masan High-Tech Materials tại Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 - 4
Nhà máy chế biến Núi Pháo (Ảnh: MHT).

Ông Craig Bradshaw - Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials - chia sẻ: "Masan High-Tech Materials xác định đổi mới sáng tạo, sản xuất xanh bền vững là trọng tâm trong chiến lược phát triển của công ty, một phần trong chiến lược vươn xa toàn cầu. Thành công trong đổi mới sáng tạo của công ty là ở sự kết hợp giữa nền tảng nghiên cứu phát triển đẳng cấp thế giới và đội ngũ kỹ sư ứng dụng tận tâm, giàu chuyên môn với khả năng phát triển các sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe và nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm