“Đánh” thuế TTĐB nước ngọt có ga tại Việt Nam: Trường hợp cá biệt
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được thực hiện sẽ là “một trường hợp cá biệt”, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng xã hội và gây ra hoài nghi về tác động kinh tế của thuế này.
Theo Dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính, mặt hàng nước ngọt có ga không cồn được đề xuất áp thuế 10% với mục đích định hướng tiêu dùng là “mặt hàng này có tác động tiêu cực đến sức khoẻ, và thuế mới sẽ tăng ngân sách chính phủ”. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản ứng từ giới chuyên gia và từ chính các doanh nghiệp.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Một trường hợp cá biệt
Tại Diễn đàn về triển vọng ngành Thực phẩm & Đồ uống do Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 28/3, luật sư Sesto Vecchi, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Russin & Vecchi cho rằng: “Các quốc gia nói chung không lựa chọn ga (CO2) làm tiêu chí phân loại đánh thuế. Ga trong nước ngọt không phải tác nhân gây hại cho sức khoẻ, do đó các quốc gia trên thế giới không phân biệt nước có ga hoặc không có ga làm đối tượng bị đánh thuế. Các nước áp dụng thuế cho nước giải khát không cồn thực thi điều này trên diện rộng. Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam là một trường hợp cá biệt”.
Đại diện AmCham còn cho biết, đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không đơn thuần là việc tăng thuế, mà là việc tạo ra một loại thuế mới không tồn tại trước đây. Theo lý giải của vị đại diện này, thuế đánh vào nước ngọt có ga không cồn, còn nước ngọt không ga không cồn sẽ không bị đánh thuế. Điều này có nghĩa sắc thuế này sẽ đánh vào “ga” mà không phải “đường” - là yếu tố mà chưa một quốc gia nào đưa ra nhằm quy định nghĩa vụ nộp thuế.
Theo bác sĩ Mason Cobb, Chủ tịch Trung tâm Y khoa Victoria Healthcare International, chủ tịch ban Y tế và Sức khoẻ AmCham thì: “Ngoài nước là thành phần chính, nồng độ của bất kỳ chất phụ gia nào trong nước ngọt có ga đều được quy định bởi Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Việt Nam. Có nghĩa là bất cứ sản phẩm nào đáp ứng được yêu cầu của Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm đều không gây bất kỳ nguy cơ nào cho sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu không, nó sẽ không được phép lưu hành trên thị trường”.
Ảnh hưởng trước tiên là người bình dân
Số liệu từ Bộ Tài chính dẫn, theo báo cáo của các cục thuế thì, tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn, với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít. Do vậy, việc thu thuế suất 10% đối với mặt hàng này (dự kiến thu khoảng gần 2.000 đồng/lít nước giải khát có ga) không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thuế TTĐB là thuế gián thu, biểu hiện của thuế là tăng giá thành sản phẩm. Theo một tính toán của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát cũng cho thấy, đối với mỗi lít nước ngọt đánh thuế 10% thì giá tới tay người tiêu dùng sẽ đội lên khoảng 12% - 13%.
Do đó, TS. Phan Hữu Thắng, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu đề nghị “cần cẩn trọng, công bằng trong quyết định cuối cùng và không áp thuế TTĐB 10% đối với sản phẩm nước ngọt có ga không cồn”.
Bởi theo ông Thắng, nước ngọt có ga không cồn là sản phẩm bình dân, được tiêu thụ đến tận vùng nông thôn trên cả nước. Do đó, khi áp thuế TTĐB thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên sẽ là đông đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng thuế mặt hàng này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của ngành, chẳng hạn ngành sản xuất đường, hệ thống phân phối bán lẻ, đặc biệt là những hộ kinh doanh cá thể (tiệm tạp hoá, bán rong), sinh kế và thu nhập phụ thuộc trực tiếp vào việc kinh doanh mặt hàng này.
TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra một dự báo đáng lo ngại khác.
TS. Chung cho hay, ngành đồ uống hiện nay đóng góp tới 15% trong GDP, xấp xỉ với ngành nông nghiệp đóng góp 19% GDP. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì lượng cầu đồ uống có thể giảm 28%. Lúc đầu nguồn thu thuế có thể tăng lên, nhưng sau sẽ giảm xuống, giống như trường hợp của Indonesia. Tuy nhiên những nghiên cứu này mới dừng lại ở tác động rất trực tiếp. Còn các yếu tố bị ảnh hưởng khác như lao động, việc làm, các nhà cung cấp mía đường, nguyên liệu … thì chưa tính hết được.