Đánh thuế căn nhà thứ 2: Hơn 10 năm vẫn là đề xuất trên giấy
(Dân trí) - Đề xuất đánh thuế nhà của Bộ Tài chính đã được bàn bạc từ những năm 2005. Dù chưa từng trực tiếp nêu các phương án đánh thuế cụ thể, nhưng Bộ Tài chính trước đây đã nhiều lần hé lộ giải pháp áp thuế với bất động sản thứ hai trở đi của người dân.
Chính phủ yêu cầu xem xét kỹ
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định đánh thuế nhà ở thứ 2.
Công văn nêu rõ, trước đề xuất đánh thuế nhà ở thứ 2 của Bộ Tài chính, bên cạnh ý kiến ủng hộ với việc xây dựng thuế tài sản thuế nhà, có ý kiến cho rằng thị trường sau nhiều năm trầm lắng đang rất cần sự hỗ trợ của chính sách nên việc áp thuế tăng thêm khi mua căn nhà thứ 2 tại thời điểm này là không phù hợp.
Như Dân trí đã đưa tin, trong một báo cáo gần đây, Bộ Tài chính khẳng định “cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản” đối với bất động sản (bao gồm nhà, đất) nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.
Bộ Tài chính cho biết, đây cũng là xu hướng cải cách thuế tài sản tại một số quốc gia như Canada, Australia, Malaysia... trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD vào năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên nên Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.
Đã có từ hơn 10 năm trước
Thực tế, đề xuất đánh thuế nhà của Bộ Tài chính đã được bàn bạc từ những năm 2005. Dù chưa từng trực tiếp nêu các phương án đánh thuế cụ thể, nhưng Bộ Tài chính trước đây đã nhiều lần hé lộ giải pháp áp thuế với bất động sản thứ hai trở đi của người dân.
Tại thời điểm hơn chục năm trước, Chính phủ từng chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh mức thuế sử dụng đất, đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều bất động sản, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng hoặc mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Đồng thời tổ chức hệ thống thông tin về thị trường bất động sản một cách công khai, minh bạch để các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp nhận thông tin về thị trường.
Cuối năm ngoái, một đại diện của cơ quan này cũng từng nói tới khả năng đang xây dựng Luật Thuế tài sản để thực hiện theo hướng này.
Bình luận về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh thuế căn nhà thứ hai chưa chắc sẽ giúp chuyển dòng tiền sang sản xuất - kinh doanh thay vì đầu cơ vào bất động sản. Bên cạnh đó, đánh thuế căn nhà thứ hai cũng không hẳn là một giải pháp công bằng bởi có thể làm giảm sự bất công bằng giữa người chưa có nhà và người có nhiều nhà, nhưng lại có thể làm tăng bất công giữa những người có nhà.
"Nếu loại thuế này được áp dụng, nhu cầu về những căn biệt thự lô to có thể chia tách khi cần thiết có thể sẽ tăng. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu sẽ khó phòng thủ hơn nếu phải đối phó với hậu quả của những đợt tăng trưởng tín dụng vượt 20%. Đánh thuế theo m2 sở hữu có thể làm giảm bất công này", TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân) bình luận.
Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng bày tỏ sự ủng hộ với việc xây dựng thuế tài sản với nhà vì hiện nhà ở không phải chịu thuế.
“Các nước đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1-1,5% giá trị thị trường. Họ coi đó là nguồn thu chủ yếu phát triển hạ tầng cũng như nâng cấp đô thị. Riêng nguồn thu từ thuế đó đủ cho phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Đặng Hùng Võ cho biết.
Ngược lại, đại diện cho nhóm doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, nhận định, thị trường sau nhiều năm trầm lắng đang rất cần sự hỗ trợ của chính sách, việc áp thuế tăng thêm khi mua căn nhà thứ hai tại thời điểm này là không phù hợp.
Phương Dung