1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp tuần qua:

Danh Khôi muốn mua Đại Nam của ông Dũng "Lò Vôi"; Heineken, Masan gây chú ý

Mai Chi

(Dân trí) - Ông lớn ngành bia Heineken tạm dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam, Masan phản hồi về thông tin liên quan đến SK Group, Danh Khôi ngắm mua Đại Nam... là những thông tin gây chú ý tuần qua.

"Ông lớn" Heineken tạm dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam

Xác nhận với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hồng Quang - Trưởng Ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam - cho biết phía đơn vị đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) về việc tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam.

Ngày 21/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản chuyển văn bản nêu trên của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đến các cơ quan, đơn vị liên quan để theo dõi, hướng dẫn giải quyết các hồ sơ, thủ tục có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đại diện Heineken Việt Nam cũng cho biết đã gửi văn bản trên và quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam từ tháng 6.

Masan Group lên tiếng về thông tin SK Group có kế hoạch thoái vốn

Thị trường tuần qua xôn xao khi tờ Maeil Business Newspaper đưa tin, SK Group - Chaebol lớn thứ ba tại Hàn Quốc đang xem xét thoái vốn cổ phần tại các "gã khổng lồ" ở Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ won (khoảng 720 triệu USD) tiền đầu tư ban đầu.

Liên quan đến thông tin này, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã phát thông cáo phản hồi. Theo bài báo từ Hàn Quốc đưa tin về việc SK Group đã thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Masan Group, Masan Group khẳng định thông tin này là không đúng.

Danh Khôi muốn mua Đại Nam của ông Dũng Lò Vôi; Heineken, Masan gây chú ý - 1

Masan cho biết, đến nay SK Group chưa thực hiện quyền chọn bán (Ảnh minh họa: MSN).

"Cho đến nay, SK Group chưa thực hiện quyền chọn bán", phía Masan cho hay. Theo Masan, cả 2 doanh nghiệp hiện đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể, theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Masan Group.

"SK đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Masan để chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Masan. Lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp", thông cáo nêu.

Vào năm 2018, SK Group chi 530 tỷ won (khoảng gần 11.000 tỷ đồng) để mua 9,5% vốn của Masan Group.

Hòa Phát, BAF cùng nhiều công ty bị xử phạt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG).

Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long bị phạt tiền 112,5 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập. Đến thời điểm tháng 5, Hòa Phát có 9 thành viên HĐQT nhưng chỉ có 2 thành viên HĐQT độc lập, không đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập theo quy định.

Trước đó, UBCKNN cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam. "Ông lớn" ngành chăn nuôi bị phạt tổng số tiền là 242,5 triệu đồng.

Thông tin về vấn đề này, BAF cho biết quyết định xử phạt hành chính được UBCKNN công bố sau chương trình thanh tra định kỳ của UBCKNN tại công ty, diễn ra từ ngày 17/5 đến ngày 17/6. Nội dung thanh tra liên quan đến việc tuân thủ của công ty đối với các quy định trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5 năm nay.

Quyết định xử phạt hành chính trên liên quan đến những thiếu sót chủ yếu xảy ra trong giai đoạn đầu khi BAF vừa mới niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty đại chúng có nhiều thay đổi về quy định trong quản lý và công bố thông tin khiến BAF gặp khó khăn và có những bỡ ngỡ bước đầu, do đó khó tránh khỏi thiếu sót. Sau đó, công ty đã nhanh chóng lưu ý và khắc phục, không tái phạm trong giai đoạn sau.

Cùng đợt này, nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Maroon Bells, Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong - C.O.N.I.C, Công ty cổ phần Thủy điện Đakrông, Công ty cổ phần đầu tư Rivera cũng bị UBCKNN vì vi phạm quy định về công bố thông tin.

Bà Như Loan vắng mặt, Quốc Cường Gia Lai họp ĐHĐCĐ bất thành

Sáng 30/6, phiên họp thường niên ĐHĐCĐ của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) đã không thể diễn ra do không đủ điều kiện tiến hành. Chỉ có 44 cổ đông tham dự trực tiếp và ủy quyền tham dự, đại diện cho 18,3% vốn điều lệ.

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai - vắng mặt tại cuộc họp. Theo thông tin, bà Loan vắng mặt vì lý do sức khỏe. Con gái bà Loan là bà Nguyễn Ngọc Huyền My cũng không thể tham dự cuộc họp vì lý do cá nhân.

Cả bà Loan và bà My đều là cổ đông lớn tại Quốc Cường Gia Lai với tổng tỷ lệ sở hữu 51,3% vốn. Tính tại ngày 31/12/2023, bà Loan sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương tỷ lệ 37% vốn. Bà Huyền My sở hữu gần 39,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,3% vốn.

Bắt người phụ nữ lập 116 công ty "ma" ở TPHCM

Ngày 29/6, Công an TPHCM thông tin về việc khởi tố bị can và bắt giam Nguyễn Thị Hương (SN 1990, quê Nam Định) cùng 12 bị can khác về tội Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Hương là mắt xích quan trọng trong đường dây rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới quy mô lớn mà Công an TPHCM đã triệt phá hồi tháng 4.

Khi bị bắt, Hương khai nhận đã đứng tên đăng ký thành lập 116 công ty , doanh nghiệp tại các quận, huyện trong thành phố từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. Trong đó, quận Tân Bình có số lượng nhiều nhất với 22 công ty, quận Tân Phú có 15 công ty, TP Thủ Đức có 11 công ty,... Nữ bị can thừa nhận mục đích thành lập các công ty "ma" để cùng đồng bọn thực hiện hành vi rửa tiền xuyên quốc gia.

Một đại gia ngắm mua dự án Đại Nam của ông Dũng "Lò Vôi"

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra hôm 25/6 của Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC), một nội dung quan trọng được nêu ra là kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ.

Trong kế hoạch sử dụng vốn, Danh Khôi cho hay dùng 195 tỷ đồng dùng để thanh toán tiền mua một phần dự án tại Khu dân cư Đại Nam (Quốc lộ 13, Chơn Thành, Bình Phước) của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò Vôi").

Ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch HĐQT Danh Khôi - nói với cổ đông rằng, chiến lược năm nay của tập đoàn là tập trung vào một số sản phẩm mang tính pháp lý chuẩn, định hướng có tính thanh khoản cao. Khu dân cư Đại Nam và Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm là 2 dự án mà công ty mong muốn đầu tư, đang thực hiện tìm hiểu.

Ông Nhất cũng nói thêm công ty chưa chính thức mua bất cứ dự án nào của ông Dũng "Lò Vôi", mới chỉ là kế hoạch. Nếu Danh Khôi huy động được tài chính thì sẽ làm việc với Đại Nam để mua trên tinh thần chiến lược năm nay là tập trung vào sản phẩm thấp tầng, có sổ hồng, có hạ tầng.

Khu dân cư Đại Nam có diện tích khoảng 100ha, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2018. Dự án tọa lạc ở mặt tiền Quốc lộ 13, gần nhiều khu công nghiệp lớn của Bình Phước và được đánh giá thuận tiện giao thương.

Vào năm 2022, báo chí thông tin ông Dũng "Lò Vôi" có ký hợp đồng ghi nhớ mua bán khu dân cư này cho một doanh nghiệp tại Hà Nội, dự thu về 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, công ty đối tác không thực hiện đúng hợp đồng chuyển tiền cọc 100 tỷ đồng trong vòng 7 ngày nên giao dịch bị hủy.

(Tổng hợp)