Đăng hóa đơn mua hàng nghi là của Lisa có vi phạm quy định pháp luật?

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Hành động đăng hóa đơn mua hàng được cho là của Lisa (Black Pink) khi cô ghé TPHCM trong chiều 17/10, theo luật sư, là sai quy định của pháp luật. Hiện cửa hàng đã gỡ bài đăng trên fanpage.

Chiều 17/10, hình ảnh được cho là ca sĩ Lisa (Blackpink) tại một cửa hàng thời trang ở quận 1 (TPHCM) được chia sẻ rộng rãi. 

Trên fanpage chính thức của cửa hàng trên có đăng tải hình ảnh chụp cô gái đeo khẩu trang có nhiều nét giống Lisa kèm một tờ hóa đơn mua hàng với nội dung: "Cảm ơn Lisa đã ghé với chiếc bill (hóa đơn) khủng". 

Ngay lập tức, cư dân mạng, những người hâm mộ Lisa phản đối hành động của cửa hàng thời trang và cho rằng đơn vị này đang xâm phạm quyền riêng tư của Lisa. Khi nhận về rất nhiều "gạch đá", bài đăng trên đã được gỡ xuống. Hiện tại, fanpage cửa hàng này cũng tạm khóa.

Đăng hóa đơn mua hàng nghi là của Lisa có vi phạm quy định pháp luật? - 1

Hình ảnh được cho là Lisa (Blackpink) có mặt ở TPHCM chiều 17/10 (Ảnh: RC).

Trước đó, chủ cửa hàng xác nhận với phóng viên Dân trí rằng Lisa đã ghé mua sắm lúc 11h sáng nay. Cô mặc áo có mũ trùm đầu và đeo túi xách Celine (thương hiệu Lisa làm đại sứ).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Thị Tuyết Trinh cho biết theo các quy định của pháp luật, hành vi của cửa hàng thời trang là sai.

Theo luật sư, thứ nhất, quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của mình là quyền được pháp luật quy định và bảo vệ. Điều nay được thể hiện cụ thể trong khoản 1 Điều 32 Bộ Luật Dân sự, cụ thể như sau: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".

Thứ hai, theo Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm: a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý.

Cá nhân thực hiện hành vi chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Trả lời về việc các cửa hàng kinh doanh nên có hành vi như thế nào khi có người nổi tiếng ghé tới, luật sư Tuyết Trinh cho hay: "Người nổi tiếng vẫn là khách hàng, là người tiêu dùng nên nếu họ ghé thăm, cửa hàng vẫn cần coi họ là một khách hàng cần được bảo vệ quyền lợi và bảo mật thông tin. Trong trường hợp chủ cửa hàng muốn đăng ảnh người nổi tiếng để quảng cáo thì nên hỏi ý kiến, nếu khách hàng đồng ý mới được phép đăng ảnh".