1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia Lai:

Dân trồng cà phê “ngậm ngùi” vì giá tăng

(Dân trí) - Hơn mười ngày nay, giá cà phê tại Tây Nguyên liên tục tăng. Giá tăng nhưng, nông dân trồng cà phê lại tỏ ra “ngậm ngùi” vì thực tế, cà phê còn đâu mà bán.

Dân trồng cà phê “ngậm ngùi” vì giá tăng - 1
Cà phê đột ngột tăng giá.
 
Hiện tại giá cà phê tại Đak Lak là 26.200 đồng/kg; Lâm Đồng 26.200 đồng/kg; Gia Lai 26.000 đồng/kg (tăng 100 đồng so với ngày 19/6); Đak Nông 26.000 đồng/kg (tăng 100 đồng so với ngày 19/6).

Giá tăng, hàng không còn

Năm nay, năng suất cà phê giảm nên niên vụ vừa qua, nông dân trông chờ vào một mức giá có thể “bù chi” cho một năm quần quật vất vả. Nhưng khi nhìn vào biểu đồ giá nông sản này từ đầu tháng 5, nhiều người đã bán ngay khi giá chạm mức có thể hoà vốn.

Ông Trần Ngọc Tùng (đội 1, thôn 2, xã Nam Yang, Đak Đoa, Gia Lai) cho biết, năm nay gia đình ông thu được tổng cộng 6 tấn cà phê nhân. Vừa qua khi giá đạt 25.000 đồng/kg, ông đã quyết định bán tất cả để trả nợ ngân hàng và tái đầu tư. “Vừa rồi giá cà phê lên trên 26.000 đồng/kg tiếc lắm nhưng làm sao nữa, bán hết rồi”, ông tỏ ra tiếc nuối.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, hiện tại xã Nam Yang hầu như không ai còn cà phê trữ kho.

Nhưng như ông Tùng vẫn còn may. Nhiều hộ dân vì thiếu tiền đầu tư đã bị buộc vào thế phải tìm đến những tiểu thương để ứng trước tiền với một ràng buộc hết sức bất lợi. Thu hoạch xong phải bán cà phê với giá thấp hơn giá hiện hành 2 giá. Không thì chơi theo kiểu “đánh bạc” bằng cách bán với một mức giá thoả thuận ngay khi sản phẩm vẫn còn nằm trên cây mặc cho giá cả thị trường cao thấp thế nào.

Cũng trong tâm trạng tiếc hùi hụi vì giá cà phê vượt 26.000 đồng/kg, ông Lê Anh Khuê (thôn Đoàn Kết xã Chư Pơng, Chư Sê, Gia Lai) cho biết gia đình quyết định bán 7 tấn cà phê nhân ngay khi giá vừa đạt 25.000 đồng/kg.

“Giá đó là hòa vốn nhưng không thể không bán bởi do gia đình tôi phải thuê người làm công. Không bán lấy đâu tiền trả ngân hàng và vốn đầu tư vụ mới chứ”.

Nông dân cần tính toán kỹ lưỡng

Tham khảo qua giá cả một số ngày gần đây, ngay khi thị trường Luân Đôn đóng cửa phiên giao dịch cà phê giao thời điểm tháng 7/2010, giá nội địa chỉ giảm nhẹ 100 đồng/kg.

Thế nhưng khi thị trường này vừa mở cửa trở lại sau đó một ngày, thì lập tức giá nội địa đã lập tức tăng lên 200 đồng/kg. Rất có thể trong thời gian sắp tới, giá mặt hàng này sẽ còn biến động nhiều.

Được biết, hiện tại có khoảng 10% người dân có khả năng về tài chính vẫn đang trữ hàng chờ giá lên bán kiếm lời. Tuy nhiên giá cà phê lên, xuống ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là do yếu tố đầu cơ do vậy người kinh doanh mặt hàng này cần hết sức tỉnh táo.

Tại Gia Lai, nhiều doanh nghiệp thu mua loại nông sản này cũng chỉ dám làm ăn theo kiểu “nước lên bèo lên”. Nghĩa là tìm đầu ra rồi thu mua bán ngay, giá bán ra chỉ cao hơn giá thu mua một chút. Kiểu làm ăn này theo nhiều người thì tuy lợi nhuận không cao nhưng hệ số rủi ro thấp.

Để có thể kiếm được đồng lời sau một mùa lao động cực nhọc, người trồng cà phê cần tính toán kỹ khả năng tài chính của mình, nghĩa là phải phân chia sản phẩm sau thu hoạch ra thành nhiều phần.

Trong đó phải phân biệt phần nào dành để trả nợ, phần nào dành để tái đầu tư rồi bán vào các thời điểm giá cả thích hợp. Nếu có thể thì trữ lại vài phần chờ giá lên bán kiếm lời. Hoặc trường hợp cảm thấy giá cả đủ để có lãi thì bán dứt điểm không nên trông chờ giá thật cao mới bán.

Theo ông Võ Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty Cà phê Gia Lai thì giá cà phê hiện đã vượt mức 26.000 đồng/kg nhưng so với đầu niên vụ (khoảng tháng 11, 12/2009, lúc đó giá cà phê luôn ở mức là 24.000 đồng đến 25.000 đồng/kg) thì mức tăng giá này không “bù nổi” do các loại chi phí tăng cộng thêm lãi suất ngân hàng cũng cao. Nghĩa là nhiều người cắt giá lúc đầu vụ tuy chỉ 24.000 đồng/kg so với bây giờ vẫn không khác là bao.

Tùy Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm