Dân nghèo bỗng dưng gánh nợ “khủng"

Vay 10 triệu, 20, 50 triệu... Một ngày bỗng bị ngân hàng báo nợ là 400, 500, 800 triệu, thậm chí có người không hề vay vẫn có tên trong danh sách nợ ngân hàng tới vài trăm triệu đồng.

Bà Phạm Thị Miền bên căn nhà rách nát, được ngân hàng định giá vay 400 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Miền bên căn nhà rách nát, được ngân hàng định giá vay 400 triệu đồng.
 
Mấy ngày gần đây, hàng trăm người dân thuộc nhiều xã của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang đứng ngồi không yên bởi lo lắng sẽ bị xiết nợ theo các giấy báo đã cầm tay.

Không vay cũng nợ

Mấy ngày gần đây, hàng trăm người dân xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo choáng váng bởi tự dưng bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( Agribank ) báo số nợ lên đến vài trăm triệu đồng, trong khi thực tế họ chỉ vay vài triệu đến vài chục triệu.

Bức xúc trước việc này, họ kéo nhau đến UBND xã, Công an huyện Vĩnh Bảo đâm đơn kiện bà Lê Thị Vững- cán bộ chi nhánh Nam Am trực thuộc Agribank Hải Phòng.

Ông Vũ Xuân Thảo- Chủ tịch UBND xã Tam Cường- xác nhận: “Tới nay, UBND xã đã tiếp nhận 80 đơn của người dân địa phương tố cáo bà Lê Thị Vững. Các lá đơn này cơ bản đều tố cáo bà Vững đã lợi dụng việc là cán bộ ngân hàng, cho người dân vay vài chục triệu, nhưng thực tế số tiền ghi nợ tại ngân hàng lại lên tới vài trăm triệu đồng”.

80 mới là con số đơn của người dân gửi tới UBND xã Tam Cường, thực tế số người gửi đơn kiện các cơ quan chức năng lên tới vài trăm.

Vụ việc tại Chi nhánh Agribank Nam Am bắt đầu vỡ lở từ giữa tháng 10.2012, khi Agribank thông báo số dư nợ đến các hộ vay. Nhận thông báo, nhiều hộ vay vốn của Agribank không tin vào mắt mình khi số nợ đội lên ghê gớm- từ 2 triệu thành 400 triệu đồng, 10 triệu thành 400 triệu, 50 triệu thành 800 triệu...

Thôn 10 là nơi có nhiều người nằm trong danh sách nợ nhiều nhất xã Tam Cường. Mấy ngày gần đây, vợ chồng chị Đào Thị Lưu- anh Trần Văn Mười đứng ngồi không yên vì khoản nợ 480 triệu đồng.

Từ tháng 8.2012, qua cán bộ Ngân hàng Agribank Lê Thị Vững, vợ chồng chị Lưu vay 40 triệu đồng. Để vay được khoản tiền trên, gia đình chị Lưu phải thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng.

Chị Lưu cho biết: “Khi ký hợp đồng, chúng tôi chỉ thấy con số vay là 40 triệu. Giữa tháng 10.2012, tôi lên ngân hàng nộp tiền lãi, phía ngân hàng báo là gia đình tôi nợ 480 triệu đồng”.

Cùng hoàn cảnh với chị Lưu, bà Đặng Thị Viễn- SN 1964 ở thôn 10, xã Tam Cường- cũng vay ngân hàng 10 triệu đồng qua bà Vững. Ngày 18.10, khi tới ngân hàng kiểm tra thì số tiền vay nợ của gia đình bà không phải 10 triệu mà là 400 triệu đồng.

Cũng với hình thức nêu trên, chị Ngô Thị Thắm- nhà ở Nam Am, Tam Cường vay 90 triệu đồng, nay đã thành 400 triệu; gia đình anh Phạm Công Tuyển ở làng Đông Am vay 10 triệu đồng đã trả hết 8 triệu, còn nợ 2 triệu, bỗng biến thành 400 triệu đồng...

Không chỉ có các hộ vay nợ ngân hàng, cả những người không hề vay cũng nằm trong danh sách nợ của Agribank chi nhánh Nam Am.

Bà Phạm Thị Miền- 54 tuổi, ở thôn 10, xã Tam Cường- từ nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo nhất xã. Bà cùng 1 người con bị thiểu năng trí tuệ sống trong một căn nhà tồi tàn do người dân địa phương đóng góp 3 triệu đồng xây dựng. Căn nhà này lại được xây trên đất của người em trai, nên bà không hề có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, bà Miền lại có tên trong danh sách nợ ngân hàng với số tiền 400 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Bích- SN 1984, ở làng Nam Am, xã Tam Cường- không hề vay vốn ngân hàng, cũng nhận được “trát” thông báo nợ số tiền 40 triệu đồng.

Trụ sở Agribank Nam Am.

Trụ sở Agribank Nam Am.


Có hay không một đường dây mờ ám?

Ngày 1.11, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Quý Giang- Phó giám đốc Agribank Hải Phòng- cho biết: “Agribank Nam Am là chi nhánh trực thuộc trực tiếp Agribank Hải Phòng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã thành lập đoàn công tác về điều tra thực tế.

Tới nay, cán bộ thanh tra của ngân hàng đã thống kê sơ bộ ở xã Tam Cường có 230 người tố cáo là bị ghi khống số nợ và không vay cũng thấy tên trong danh sách nợ của ngân hàng.

Vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhưng cơ bản những phản ánh của người dân là có cơ sở. Do số người gửi đơn phản ánh quá nhiều, chúng tôi mới kiểm tra được ở xã Tam Cường, còn những xã khác thì chưa kiểm tra được”.

Theo ông Phạm Quý Giang thì quy trình thẩm định vay vốn Ngân hàng Agribank rất chặt chẽ. Quá trình xuất tiền vay phải có 3 chữ ký của cán bộ tín dụng, lãnh đạo phòng tín dụng và giám đốc chi nhánh. Thủ tục chặt chẽ như vậy, nhưng không hiểu sao ở Chi nhánh Agribank Nam Am lại xảy ra việc hàng trăm người dân bị ghi khống số tiền vay gấp hàng chục lần.

Làm việc với ông Bùi Thanh Tịnh - Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Am- tại trụ sở, khi đặt câu hỏi liên quan đến bà Lê Thị Vững, ông Tịnh đã mời phóng viên ra khỏi phòng vì: “Tôi không có chức năng trả lời báo chí”.

Để có thể rút tiền ngân hàng với số lượng lớn như vậy, một mình bà Lê Thị Vững không thể làm được. Dư luận tại huyện Vĩnh Bảo đang đặt ra câu hỏi, liệu ông Bùi Thanh Tịnh có trách nhiệm như thế nào khi ký vào các hợp đồng khống do bà Lê Thị Vững lập nên.

Liên quan đến quyền lợi của người dân, ông Phạm Quý Giang- Phó Giám đốc Agribank Hải Phòng- khẳng định: “Đoàn công tác của ngân hàng đang tiến hành điều tra, người dân bị ghi khống nợ không phải lo lắng vì nếu cán bộ ngân hàng làm sai, chúng tôi sẽ xử lý cán bộ ngân hàng chứ không thể xiết nợ người dân một cách vô lý được”.
 
Theo Phạm Việt Hòa