Gia Lai:
Dân “khóc ròng” vì hàng trăm tấn bí xanh không ai mua
(Dân trí) - Tin vào bản hợp đồng “mập mờ” về bao tiêu nông sản, hơn chục hộ dân xã Ia Glai (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã bỏ hàng trăm triệu đồng để trồng bí xanh và bí đỏ. Hơn 6 tháng cần cù chăm sóc, đến ngày thu hoạch công ty bỗng dưng biến mất, khiến hàng trăm tấn nông sản không ai thu mua, nằm “phơi bụng” giữa ruộng, thối rữa từng ngày.
Hơn chục ngày nay, hàng trăm tấn bí xanh của người dân xã Ia Glai nằm “phơi bụng” giữa ruộng vì không có ai đến mua. Nhiều hộ dân xót nên đã bỏ tiền thuê người hái ra rồi chất đống bên đường Quốc lộ 14 để bán (huyện Chư Sê) với hy vọng vớt lại được chút đồng, nhưng càng làm cho trái bí thối rữa nhanh hơn.
Ông Nguyễn Khắc Liêm (thôn Pang, xã Ia Glai) kể lại, cách đây hơn 6 tháng trước Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên mà đại diện là bà Tô Thị Hồng Tươi (Tổng giám đốc công ty) đã đến trực tiếp đến giới thiệu và kí hợp đồng với bà con xã Ia Glai về dự án trồng bí xanh Đài Loan và bí đỏ Nhật Bản và sẽ thu mua toàn bộ nông sản làm ra với giá trị 5.000 đồng/kg.
Thấy “một vốn, bốn lời”, nên ông Liêm đã cùng với 4 người hàng xóm của mình (Phạm Văn Xuất, Ngô Xuân Nhuận, Nguyễn Khắc Thập, Nguyễn Văn Hào) thuê 6 ha để trồng bí xanh và bí đỏ. Khi công ty phát giống, đem vào ươm thì tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 20 - 30%. Vì vậy nên công ty đã hỗ trợ thêm giống bí đỏ Nhật Bản để bù lại số lượng không nảy mầm. Suốt quá trình trồng, phía công ty đã cho người xuống giám sát và hướng dẫn bà con cách chăm sóc. Cùng vì vậy mà bà con tin tưởng rằng công ty sẽ thu mua hết nông sản cho bà con.
Ông Liêm cho biết, diện tích 6 ha ông và những người hàng xóm đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đầu tư hệ thống nước nhỏ giọt, phân và thuốc trừ sâu để chăm sóc cho cây bí xanh và bí đỏ. Vào mùa các hộ dân tập trung chăm bón, xới cỏ, bón phân, với hy vong sẽ có lãi lớn khi thu hoạch. Hơn 6 tháng sau, trái bí đã lớn khoảng từ 10-15 kg/quả thì nhân viên và lãnh đạo công ty bỗng dưng đều mất liên lạc với nông dân. Bí đã đến ngày thu quả mà không ai đến mua nên các hộ dân chua xót nhìn vườn bí mình nằm ngổng ngang ngoài ruộng…
Chung hoàn cảnh, Ông Nguyễn Văn Bát ngán ngẩn nói, “Thấy bà con trong vùng trồng nên tôi đi vay mượn thuê 3 ha đất rồi kí hợp đồng với Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên để theo dự án trồng bí. Sau 6 tháng chăm sóc, ước tính 3 ha thì tôi thu khoảng 150 tấn bí xanh. Nhưng không ai đến thu mua nên tôi cũng không bỏ thêm chi phí hái bí nữa, ai đến thì cho cả xe chở về ăn…
Theo lời ông Bát: Khoảng tháng 4/2017, khi bí gần đến ngày thu hoạch thì có một số hộ dân có tới nhà bà Tươi để hỏi về vấn đề thu mua nông sản. Lúc đó bà Tươi bảo đi về Hà Nội để chuẩn bị xe thu mua cho bà con. Từ đó bà Tươi cắt mọi liên lạc với các hộ nông dân... Biết mình bị lừa các hộ nông dẫn đã tới địa chỉ công ty, nhưng lại là nhà của một người cũng tham gia dự án trồng bí.
Trên con đường Quốc lộ 14 hiện nay (đoạn đi qua huyện Chư Sê) nhiều bà con đã chất đống bí xanh dọc đường để bán. Giữa cái nắng, mưa thì bí càng nhanh thối hơn. Nhưng những người nông dân vẫn kiên trì bám trụ cùng đống bí để bán cho người đi qua đường nhằm thu lại chút đỉnh. Cách bán nhỏ lẻ này cũng chỉ giải quyết được 1 phần tồn đọng còn đến 90% bí là bị thối rữa tại ruộng vì không bán được.
Trong hợp đồng giữa người dân và Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên có rất nhiều điều khoản người nông dân hoàn toàn chịu thiệt. Trong hợp đồng có ghi rất rõ điều kiện ràng buộc người trồng tuyệt đối không được bán quả bí nào ra thị trường, nếu bán bị phát hiện thì người nông dân phải bồi thường gấp 10 lần giá mà công ty mua vào. Thế nhưng, trong hợp đồng tuyệt nhiên không có một điều khoản nào ghi trách nhiệm hay cách xử lý nếu công ty không đến thu mua như đã ký kết.
Nhiều hộ dân tay trắng vì trồng bí xanh theo dự án của công ty Phú An Tây Nguyên
Ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai thừa nhận, trong xã có nhiều rất nhiều hộ trồng bí xanh và bí đỏ cho công ty trên. Tuy nhiên, hiện UBND xã mới tổng hợp được 8 hộ có quy mô trồng lớn, với 18,5 ha. Các hộ này ký hợp đồng với Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên để bao tiêu sản phẩm. Công ty này về ký kết với dân mà không hề thông qua chính quyền xã. Đến ngày thu hoạch, công ty này đã bỏ chạy, điện thoại không liên hệ được và cũng không mua được 1 ký nào cho dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê, hiện Phòng đã nắm được vấn đề. Các hộ này tự ký hợp đồng với các công ty không thông qua chính quyền. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân khi ký bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến trồng các loại giống mới phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ. Trước khi đặt bút ký với các đơn vị thì phải thông báo cho chính quyền địa phương biết, để kiểm tra tư cách pháp nhân cho rõ ràng, tránh trường hợp đáng tiếc như thế này.
Phạm Hoàng