1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dân dài cổ ngóng, thịt lợn giá rẻ vẫn chỉ trên tivi: Bộ Công Thương nói gì?

(Dân trí) - Về giải pháp kéo giá thịt lợn xuống, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng có hai cách. Trong đó phương án được ưu tiên là tái đàn và còn lại thiếu đâu sẽ nhập khẩu.

Dân dài cổ ngóng, thịt lợn giá rẻ vẫn chỉ trên tivi: Bộ Công Thương nói gì? - 1
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời tại buổi họp báo thường kỳ chiều 15/5.

Bất chấp yêu cầu đưa giá thịt lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg của Chính phủ và các bộ ngành, mặt hàng này vẫn tiếp đà tăng phi mã, gần chạm mốc 100.000 đồng/kg.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 15/5, phóng viên đã đặt câu hỏi vì sao giá bán thịt lợn vẫn tiếp tục tăng cao; trong khi đó, người tiêu dùng vẫn tiếp tục phản ánh việc muốn mua giá rẻ chỉ có lên tivi mua.

“Giá thịt lợn cao do doanh nghiệp không chịu giảm giá lợn hơi hay là do khâu trung gian ăn lãi quá nhiều?”, phóng viên đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, vừa qua người dân phản ánh rất nhiều về giá thịt lợn tăng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo lý giải của ông Hải, bản chất vấn đề thịt lợn hiện nay là câu chuyện “cung - cầu”. “Nguồn cung thiếu là rất rõ. Sản lượng thịt cung cấp cho thị trường thiếu hơn 20%, thậm chí nhiều địa phương như Bắc Giang phản ánh kể cả lợn giống, lợn thịt đều thiếu tới 50%”, ông Hải nói.

Đáng lưu ý theo ông Hải, không chỉ riêng Bắc Giang mà còn nhiều tỉnh thành khác cũng đang thiếu hụt nguồn cung. Ngay ở thời điểm này, nhiều địa phương cũng chưa công bố hết dịch tả lợn châu Phi; do đó, người nông dân chưa yên tâm đầu tư tái đàn, hơn nữa, chi phí đầu vào, nhất là con giống tăng cao, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con.

“Lợn giống rất đắt. Người dân cũng sợ không hiệu quả nếu tái đàn. Do vậy đã thiếu càng thiếu”, ông Hải cho hay.

Về phương án để kéo giá thịt lợn xuống, ông Hải cho rằng phải xử lý từ nguồn cung. Theo đó đưa ra 2 giải pháp, trong đó phương án được ưu tiên trước hết là tái đàn và phương án còn lại nhập khẩu.

“Tái đàn thì không phải một lúc có thể bù đắp được lượng thiếu. Sớm nhất cuối năm nay, lượng lợn cung cấp ra mới tương đương khi chưa có dịch tả”, ông Hải nhận định.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi thiếu chẳng còn cách nào khác là phải nhập khẩu. Việc nhập khẩu cần có kế hoạch từng tháng là bao nhiêu.

“Nếu nguồn cung trong nước tăng lên thì giảm nhập khẩu, bảo vệ người chăn nuôi trong. Thủ tục nhập khẩu hiện nay cũng tương đối gọn nhẹ”, ông Hải cho biết.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định cơ quan quản lý thị trường sẽ phối hợp với các bên tăng cường kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, việc xuất lậu thịt lợn.

Ngoài ra Bộ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các siêu thị tổ chức khuyến mại bình ổn bình giá. Tuy nhiên theo ông Hải, phương án này cũng chỉ có mức độ bởi không doanh nghiệp nào bù lỗ mãi được. Vừa qua, có siêu thị bù lỗ cả 17 tỷ đồng để bình ổn giá thịt lớn.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra đầu tháng 5, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra về thuế, phí cũng như các yếu tố cấu thành giá lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về cạnh tranh tại các doanh nghiệp, chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kết quả không phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, bản thân các doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, dù đã tích cực thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, ngành về việc giảm giá lợn hơi, song mức giảm không nhiều.

Nguyễn Mạnh