Dân buôn hàng xách tay ứng phó với luật: Từ sợ cho đến bất chấp làm liều
(Dân trí) - Lo lắng trước lệnh phạt mới, nhiều dân buôn hàng xách tay liên tục xả sốc, thanh lý hàng với giá rẻ. Tuy nhiên, cũng có nhiều tiểu thương bất chấp "tung chiêu", lách luật để qua mặt cơ quan chức năng.
Nơi ồ ạt thanh lý hàng
Theo quy định, từ ngày 15/10 , kinh doanh hàng xách tay có thể bị xử phạt tới 200 triệu đồng. Thế nên, gần 2 tuần nay, chị Hương (Hà Nội) liên tục lên mạng rao bán, thanh lý các mặt hàng xách tay mà chị đang kinh doanh. Các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng trong gia đình. Để tiêu thụ nhanh, chị giảm giá từ 5 - 15% cho giá trị mỗi đơn hàng và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại.
Đơn cử như các dòng sản phẩm dưỡng da, sữa rửa mặt, kem chống nắng, dụng cụ trang điểm sẽ được giảm 5%, thực phẩm chức năng, sữa, quần áo giảm 10%. Đặc biệt với hàng chạy date (chạy hạn sử dụng) có thể được giảm giá lên tới 20%.
"Nếu không có quy định xử phạt mới thì làm gì khách có giá tốt như hiện nay, mà tôi cũng chẳng bao giờ bán giá đó. Bởi người tiêu dùng thừa hiểu có những mặt hàng mua theo đường xách tay giá còn rẻ hơn so với đồ nhập khẩu" - chị kể.
Tương tự, anh T.H (Hà Nội), một người chuyên hàng xách tay Nhật cho biết, hiện anh cũng phải thanh lý dần các sản phẩm trước khi Nghị định mới được thực thi.
"Hiện trong kho nhà tôi còn khoảng 100 hộp sữa Nhật, mỗi hộp có giá 450.000 - 550.000 đồng. Chưa kể còn rất nhiều loại mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem chống nắng, thực phẩm chức năng. Nếu theo mức xử phạt mới, thì tôi có thể bị phạt tiền lên tới 200 triệu đồng, con số này với dân buôn thì quả thực là quá lớn".
Để tiêu thụ nhanh, anh H đẩy mạnh việc mua bán online và tiếp cận các sàn thương mại điện tử.
Nơi chỉ điểm, lách luật
Tuy nhiên, trên các diễn đàn, hội nhóm hàng xách tay, các chủ đề về cách trốn thuế, "mách nước" ứng phó với các cơ quan chức năng diễn ra sôi nổi, điển hình là chiêu "treo đầu dê, bán thịt chó".
Theo cắt nghĩa của dân buôn, hình thức này sẽ tránh được sự rà soát, xử phạt nhờ việc trưng biển quảng cáo một đằng bán một nẻo. Hiểu nôm na như quán chuyên bán quần áo trẻ em nhưng núp bóng đằng sau là kinh doanh túi xách, phụ kiện, nước hoa xách tay, ngoại nhập.
Điều đặc biệt là những sản phẩm này không bao giờ được bày bán trực tiếp, chỉ bán online hoặc dành cho "khách ruột" tới cửa hàng.
Tiết lộ với phóng viên Dân trí, chị N.L.T, chủ một cửa hàng chuyên đồ xách tay Nhật cho biết, từ khi có lệnh xử phạt mới, toàn bộ mặt hàng như sữa rửa mặt, kem dưỡng da, thực phẩm chức năng đều được chị cất hết. Ngay cả trang facebook, instagram đều được chị đổi tên, đổi giao diện để tránh sự rà soát, kiểm tra của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, sâu bên trong cửa hàng cắt tóc, gội đầu của chị vẫn bày bán các mặt hàng xách tay với đủ chủng loại. Khách muốn mua loại nào có ngay loại đấy. Nhưng toàn bộ biển hiệu buôn bán hàng xách tay ngoại nhập đều được chị gỡ bỏ hoàn toàn, chỉ để biển hiệu ghi tên "quán cắt tóc gội đầu".
Theo chị T, để tránh bị xử phạt, chị còn dặn kỹ khách đến mua hàng là "Nếu ai có hỏi, đặc biệt là cơ quan chức năng thì cứ bảo là người nhà tặng, bạn bè cho, mượn dùng thử chứ nhất quyết không được nói là mua ở đâu và càng không được lên facebook giới thiệu người bán".
Nơi buôn bán nhộn nhịp
Chị P.L.U, một dân buôn hàng xách tay Đức cho biết, cửa hàng chị có cả kho sữa Đức, khách cần bao nhiêu cũng có, chỉ cần chuyển tiền là có hàng. Để tránh bị "tuýt còi", toàn bộ quá trình giao dịch sẽ diễn ra tại một điểm không phải là cửa hàng chính.
"Để làm tin, tôi sẽ cho khách kiểm tra hàng trước, ký thỏa thuận, nếu hàng giả, tôi bồi thường gấp đôi. Toàn bộ hóa đơn mua hàng bên Đức, tôi cũng chuyển lại cho khách nếu cần. Nhưng đổi lại, khách phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của cửa hàng để tránh cơ quan chức năng" - chị nói.
Chị U tiết lộ, với khách lẻ, các hoạt động buôn bán trên mạng vẫn diễn ra bình thường. Tất cả việc trao đổi giờ được chị chuyển dịch vào các nhóm, diễn đàn và không công khai ra ngoài như trước.
Tương tự, anh Minh, người bán thực phẩm chức năng xách tay trên mạng chia sẻ, các hoạt động buôn bán hàng hóa bên cửa hàng anh vẫn diễn ra bình thường. Bởi từ trước đến nay, anh vẫn luôn giao dịch sản phẩm trên mạng nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
"Lo nhất lần này có lẽ là người mở quầy, mở tiệm bán hàng xách tay. Nhưng tôi thấy họ cũng rục rịch ứng phó với quy định mới như cất hàng, tháo biển từ mấy tuần trước" - anh Minh kể.