Dân bắt đầu giảm mua, giá cả thị trường hàng hóa TPHCM ra sao?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết bắt đầu từ chiều 9/7, do người dân mua hàng giảm so với những ngày trước đây nên hàng hóa tương đối đầy đủ.

Dân bắt đầu giảm mua, giá cả thị trường hàng hóa TPHCM ra sao? - 1

Ngày 8/7, các siêu thị lớn tại TPHCM hạn chế số lượng người ra vào mua hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông đúc trong mùa dịch, người dân phải xếp hàng chờ đợi ngoài sảnh để đến lượt vào mua sắm. Ảnh: Nguyễn Quang.

Tổng cục Quản lý thị trường vừa có báo cáo tình hình giá cả và cung ứng hàng hóa tại thị trường các tỉnh phía Nam ngày 10/7.

Cụ thể, tại TPHCM, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết do người dân mua hàng giảm so với những ngày trước đây (bắt đầu từ chiều ngày 9/7) nên tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tương đối đầy đủ hàng hóa.

Chỉ có một vài siêu thị, cửa hàng tiện ích thiếu rau. Tính đến 9h ngày 10/7, người đến siêu thị mua hàng vẫn bình thường, không tăng so với hôm qua, hàng hóa đầy đủ.

Cũng theo báo cáo, tại một chợ truyền thống, các quầy bán thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động nhưng người mua, bán ít. Giá vẫn cao như 2 ngày trước đây. Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác nguồn cung đầy đủ, giá ổn định.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, sau một ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, đến nay, tình hình thị trường tương đối ổn định, không còn tình trạng người dân đổ xô mua hàng. Hàng hóa được cung ứng đầy đủ, giá vẫn như ngày hôm qua, có tăng nhẹ so với những ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16.

Các địa phương khác đến nay đã chủ động về nguồn cung hàng hóa, thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cũng như hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch tương đối ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cơ quan quản lý thị trường khẳng định sẽ tiếp tục chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường hàng hóa để kịp thời ứng phó các tình huống xảy ra (nếu có) trên địa bàn, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền về phòng, chống Covid-19.

Tính đến 9h ngày 10/7, các cục quản lý thị trường chưa phát hiện xử phạt các hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý.

Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, TPHCM đã cử kiểm soát viên tham gia 12 chốt kiểm soát người ra, vào Thành phố từ ngày 9/7.

Theo thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, đến ngày 10/7, các xe hàng vận chuyển thực phẩm từ các tỉnh về TPHCM được phân luồng ưu tiên nên việc vận chuyển dễ dàng và nhanh hơn

Để việc vận chuyển hàng đi, đến TPHCM được dễ dàng, phía Bộ Công Thương cho rằng Bộ Y tế cần quy định thống nhất đối với lái xe ra, vào thành phố được xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm Real-time PCR, thời hạn giấy xét nghiệm là bao lâu.

Trước đó theo ghi nhận của Dân trí, người dân Sài Gòn phải xếp hàng dài cả trăm mét ngoài phố để có thể vào siêu thị mua đồ và khi thanh toán cũng phải chờ cả tiếng để thanh toán do quy định mới nhằm tránh tập trung đông đúc, chen lấn.