Đạm Ninh Bình 11 lần đàm phán vẫn chưa quyết toán được với nhà thầu Trung Quốc
(Dân trí) - Trong báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017 gửi lên Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã có báo cáo về việc đàm phán các tồn tại của dự án nhà máy Đạm Ninh Bình.
Theo báo cáo, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012 (chủ đầu tư nhận bàn giao quyền vận hành từ nhà thầu EPC vào ngày 24/9/2012) nhưng đến nay chưa quyết toán được gói thầu EPC dẫn đến chưa quyết toán dự án hoàn thành.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Vinachem và nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn HQC đã tiến hành đàm phán 11 đợt để giải quyết các tồn tại của hợp đồng EPC và bồi thường thiệt hại của nhà thầu do không đạt yêu cầu trong hợp đồng EPC.
Kết thúc buổi đàm phán cấp cao tổ chức từ ngày 14/6 đến 17/6/2016, về cơ bản phương án giải quyết các tồn tại của dự án đã được hai bên đề xuất và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của mỗi bên để đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo Vinachem, một số tồn tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm bao gồm: thời gian chậm tiến độ thực hiện hợp đồng; Các thay đổi trong quá trình thi công liên quan đến thay đổi kết cấu, vật liệu cấu kiện sử dụng trong thi công, thiết bị của dự án, hồ sơ thiết bị…
Nhà thầu cam kết sẽ cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan cho chủ đầu tư về các thông tin trên cũng như hồ sơ dự án, tài liệu hoàn công, báo cáo cuối cùng trước ngày 25/6/2016 tuy nhiên đến nay phía nhà thầu vẫn chưa cấp đủ.
Theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC về quyết toán dự án hoàn thành, Vinachem đã có văn bản ngày 11/8/2016 yêu cầu nhà thầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tài liệu quyết toán gói thầu EPC dự án Đạm Ninh Bình nhưng đến nay cũng vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của nhà thầu.
Liên quan tới vấn đề này, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 10-14/9/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực phối hợp, chỉ đạo các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang là tổng thầu EPC một số dự án, trong đó có Nhà máy đạm từ than cám Ninh Bình khẩn trương phối hợp với Chủ đầu tư Việt Nam giải quyết các vướng mắc, tồn tại các dự án nêu trên. Ngoài dự án Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề cập tới 2 dự án khác là Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các dự án nêu trên đều là các dự án quan trọng trong hợp tác công nghiệp song phương, đồng thời cũng là các dự án được người dân và dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việc giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc để đưa các dự án vào vận hành đảm bảo chất lượng, hiệu quả là trách nhiệm chính trị quan trọng của cả Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất giữa hai bên trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cũng “hứa" sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam đôn đốc các doanh nghiệp hai bên khẩn trương giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại tại các dự án nêu trên, mong muốn sẽ có những bước tiến triển thực chất tại các dự án này để thông tin cho nhau trong các cuộc gặp lần sau giữa hai Bộ trưởng.
Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được hình thành từ chương trình phát triển phân bón, nhằm đảm bảo an ninh lương thực của Chính phủ. Theo đó, dự án xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình được khởi động từ đầu năm 2000. Nhà máy này chính thức hoạt động cách đây 4 năm và hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, gặp sự cố và phải dừng sản xuất từ cuối tháng 3/2016.
Theo báo cáo của Vinachem, tổng mức lỗ tới nay đã lên tới trên 2.700 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Trong năm 2015, dù đã được Chính phủ và các Bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… nhưng công ty vẫn thua lỗ 906 tỷ đồng (năm 2013), 738 tỷ đồng (năm 2014), 592 tỷ đồng (năm 2015) và 456,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016.
Trước đó, trong văn bản gửi các bộ ngành nêu thực trạng nhà máy, Tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường giải thích do chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình rất khó khăn.
Một trong số lý do khiến chi phí sản xuất cao, theo Vinachem, là do dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao.
Ngoài ra, các chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư tăng cao, giá than cao hơn giá than tại thời điểm phê duyệt dự án đã đẩy giá thành sản xuất của Nhà máy đạm Ninh Bình lên rất cao so với các nhà máy sản xuất phân đạm khác ở trong nước.
Nhà máy đạm Ninh Bình hiện cũng đang phải “gồng mình” trả khoản nợ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc lên tới 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%. Liên quan tới khoản nợ này, Vinachem vừa có đề nghị Chính phủ xem xét cho giãn thời gian trả nợ tối thiểu 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn và cho phép áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm urê, trích dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư với khoản nợ vay có gốc ngoại tệ.
Phương Dung