1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại tỷ phú “tuột tay” cả nghìn tỷ đồng; Cổ phiếu nhà Hà Tăng vẫn tăng giá

(Dân trí) - Sáng nay, tài sản trên sàn chứng khoán của người giàu nhất Việt Nam – ông Phạm Nhật Vượng sụt gần 2.800 tỷ đồng còn tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi cũng để “tuột” trên 1.168 tỷ đồng tại Sabeco và 300,5 tỷ đồng tại Vinamilk. Ngược lại, SAS của Sasco tăng giá.

Mặc dù thanh khoản đạt mức cao song trong phiên giao dịch sáng 5/10, sắc đỏ vẫn bao trùm hai sàn chứng khoán, đặc biệt tại HSX, chỉ số VN-Index mất điểm mạnh.

Cụ thể, với 179 mã giảm giá, gần gấp đôi số mã tăng trên HSX, chỉ số của sàn này mất 8,1 điểm tương ứng 0,79% còn 1.015,52 điểm. HNX-Index cũng mất 0,53 điểm tương ứng 0,45% còn 115,74 điểm do có 82 mã sụt giá trong khi chỉ có 51 mã tăng.

Bố mẹ chồng Hà Tăng đang dẫn dắt Sasco (mã chứng khoán SAS)
Bố mẹ chồng Hà Tăng đang dẫn dắt Sasco (mã chứng khoán SAS)

Trong khi VCB là mã có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến VN-Index, đóng góp cho chỉ số 0,56 điểm với mức tăng 500 đồng thì GAS và VIC lại giảm mạnh. GAS giảm 3.000 đồng kéo sụt chỉ số 1,78 điểm, VIC giảm 1.500 đồng cũng đóng góp vào mức giảm tới 1,49 điểm. Ngoài ra, một loạt các mã vốn hóa khác như MSN, SAB, VNM, BID… cũng kéo VN-Index giảm sâu.

Phiên sáng nay cũng chứng kiến mức giảm mạnh 3.400 đồng tại VCS; VNM giảm 1.200 đồng; VJC giảm 700 đồng; SAB cũng giảm 3.400 đồng.

Với phiên giảm này, tài sản trên sàn chứng khoán của người giàu nhất Việt Nam – ông Phạm Nhật Vượng sụt gần 2.800 tỷ đồng còn ông chủ Vicostone Hồ Xuân Năng mất thêm 411 tỷ đồng.

Riêng tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, với việc cả VNM và SAB cùng giảm giá, “ông trùm” ngành tiêu dùng này đã đánh mất trên 1.168 tỷ đồng tại Sabeco và 300,5 tỷ đồng tại Vinamilk.

Xét về nhóm ngành, trong khi cổ phiếu dầu khí và ngân hàng bị chốt lời mạnh và khiến thị trường “hụt hơi” thì nhóm cổ phiếu cảng biển vẫn tăng tốt, trong đó PHP, DXP, HAH tăng trần.

Ngoài ra, cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất cũng tăng 300 đồng tương ứng 1,2% lên 25.900 đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mất điểm mạnh trong bối cảnh chứng khoán Mỹ cũng gặp bất lợi sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới của nhiều năm nhờ loạt dữ liệu kinh tế khả quan. Lợi suất leo thang đặt ra những lo ngại về sự đi lên của lạm phát, và điều này phủ bóng lên tâm lý của nhà đầu tư.

Cụ thể, Dow Jones giảm 0,75%, còn 26.627,48 điểm. S&P giảm 0,82%, còn 2.901,61 điểm. Nasdaq sụt 1,81%, còn 7.879,51 điểm. Theo đó, chỉ số Dow Jones có phiên giảm điểm đầu tiên sau 5 phiên tăng liên tiếp, trong khi S&P 500 và Nasdaq có phiên mất điểm tồi tệ nhất kể từ ngày 25/6.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC),VN-Index vẫn chưa vượt khỏi vùng kháng cự 1.024 điểm. Nhà đầu tư nên thận trọng đối với vị thế mua, nhất là đối với cổ phiếu vốn hóa lớn

Còn theo quan điểm của BSC, thị trường đang trong phiên tích lũy với thanh khoản tăng mạnh trở lại cho thấy đà tích lũy có thể sẽ được duy trì trong những phiên sau hướng dần về mức 1.030 điểm.

Trong khi đó, VCBS lại cho rằng, chỉ số vẫn đang nằm trong xu hướng đi lên một cách từ từ và chưa xuất hiện sự bứt phá. Với việc mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2018 của các doanh nghiệp niêm yết đã cận kề, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một nhịp tăng trong ngắn hạn xuất hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, VCBS cũng khuyên nhà đầu tư nên chú ý cả về khía cạnh quản trị rủi ro, đặc biệt là tránh lạm dụng đòn bẩy cho hoạt động đầu cơ ở những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh không rõ ràng hoặc thiếu minh bạch trong hoạt động công bố thông tin.

Mai Chi

Đại tỷ phú “tuột tay” cả nghìn tỷ đồng; Cổ phiếu nhà Hà Tăng vẫn tăng giá - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm